1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dân công sở giữa mùa dịch: Ngoài tưởng ổn, trong đã "liêu xiêu"

(Dân trí) - Nhiều nhân viên công sở tại TPHCM xoay xở mọi cách để cầm cự trong mùa dịch khi thu nhập giảm mạnh. Với vẻ ngoài "long lanh" đặc thù công việc lâu nay, ít ai hình dung ra tình cảnh khốn khó của họ.

Dân công sở giữa mùa dịch: Ngoài tưởng ổn, trong đã liêu xiêu - 1

Một dãy nhà trọ chủ yếu dành cho dân văn phòng, công sở nay khá ảm đạm vì dịch. 

Thu nhập giảm sốc

Nhận thông báo đóng tiền phòng kèm lời từ chối giảm tiền trọ của chủ nhà, chị Nguyễn Thu An (28 tuổi, sống trọ tại đường Phạm Văn Đồng, Bình Thạnh, TPHCM) thở dài não nề. Tiền thuê phòng 4,5 triệu đồng/tháng, thêm điện nước, internet, phí đổ rác và gửi xe khoảng một triệu đồng đã "nuốt chửng" tiền lương của chị.

Chị Nguyễn Thu An làm việc tại một công ty quảng cáo ở Phú Nhuận. Từ cuối tháng 5, công ty chuyển sang làm việc online với mức lương giảm một nửa nên chị đang "cầm cự" với 5 triệu đồng/tháng. Các khoản bên ngoài, tăng thêm cũng đều không còn, thu nhập của chị giảm còn 1/3 so với trước.

Khó chồng khó, cô bạn cùng phòng trọ mất việc làm đã rời thành phố về quê cách đây hơn 2 tháng, chị Nguyễn Thu An gánh hết tiền phòng trọ. Trong lúc dịch giã, cô chưa thể tìm được người ở cùng hay tìm nơi khác rẻ hơn. Dù thực tế, tìm được phòng trọ giá thấp hơn là chuyện không dễ.

Vốn quen nếp sống công sở váy áo là lượt, thích ngồi cà phê, ăn vặt, đặt hàng online... Cuộc sống khá thoải mái, ít khi phải lo chuyện tiền nong, lâu lâu còn gửi chút ít về cho gia đình.

Nhưng lúc này, chị Nguyễn Thu An phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm ít ỏi để dành được để cầm cự thời gian này. Chỉ còn mỗi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng cơ bản qua ngày nhưng cũng phải tính toán, đong đếm trong mức 2 triệu đồng.

Tại dãy trọ chỗ cô ở, phần lớn là dân văn phòng, công sở. Thay cho cảnh vui vẻ, đầy năng lượng trước đây thì giờ trở nên ảm đạm, đìu hiu. Mất việc, nhiều người đã rời phố về quê từ sớm, hàng loạt xe máy ở hầm bám đầy bụi. Những bữa ăn quay lại thời sinh viên như mì gói, cơm trắng... qua ngày.

Dân công sở giữa mùa dịch: Ngoài tưởng ổn, trong đã liêu xiêu - 2

Dân công sở ở nhà chống dịch khiến phương tiện di chuyển "bất động" ở nhà xe nhiều chung cư.

Anh Trần Mạnh Đức, nhân viên tại một nhà sách ở Q.1, TPHCM cũng giống như nhiều người. Thu nhập của anh giảm dần đều từ đầu năm 2020. Đến tháng 5 vừa rồi phải chuyển sang làm việc online, thu nhập của anh chỉ còn đúng 3 triệu đồng lương cơ bản.

Anh nhận thêm sách về dịch, biên tập nhưng thời gian này ít việc, thù lao bèo bọt, lại chưa nhận được tiền ngay. Khó khăn từ năm ngoái nên cậu gần như không còn tiền tiết kiệm.

Tình cảnh của nhân viên nhà sách này hiện là "trắng tay giữa Sài Gòn", cộng thêm khoản nợ 2 tháng tiền nhà trọ đang xin khất. Có khi cả tuần liền cậu chỉ ăn mì gói, cơm trắng chan xì dầu...

Dịch biến người "có" thành người "khó"

Sau gần 2 năm bị tác động bởi dịch, nhất là đợt cao điểm này, gia đình chị Lê Thùy Minh, phụ trách tuyển sinh một trường tư thục ở Thủ Đức, TPHCM như đang "rớt xuống vực thẳm".

Tổng thu nhập của hai vợ chồng trước ở mức 25-30 triệu đồng/tháng. Lương của chồng dành để trả góp mua căn hộ chưa đến ngày nhận nhà. Mức lương tầm 15 triệu đồng/tháng của chị chật vật lo cho tất cả các khoản tiền nhà trọ, ăn uống, chi tiêu cho gia đình 3 người.

Nhưng rồi dịch ập đến, chồng chị mất việc, mới đi làm lại đầu năm nay thì đầu tháng 5 vừa rồi lại nghỉ không lương. Thời gian qua, anh chạy xe ôm, làm thêm đủ việc vặt nhưng thu nhập không đáng kể.

Dân công sở giữa mùa dịch: Ngoài tưởng ổn, trong đã liêu xiêu - 3

Gia đình của chị Lê Thùy Minh thường xuyên ăn mỳ qua bữa giữa mùa dịch.

Mọi thứ đều phải cần đến tiền, trong khi trường học đóng cửa, thu nhập của chị Lê Thùy Minh giảm gần một nửa, chưa đến 9 triệu đồng. Thu nhập thì giảm rõ, nhưng mọi khoản chi, từ trả nợ ngân hàng, tiền trọ, hóa đơn điện nước, internet... đều đặn "dội" đến.

Chị muốn chuyển nhượng căn hộ đang trả góp nhưng lúc này, tìm người có nhu cầu và có tiền mua thật như "hái sao trên trời". Không bán được, chị tiếp tục vay mượn để trả. Nhiều tuần qua, cả nhà đều đặn ăn mì gói, thức ăn cũng chỉ có trứng và đậu, sữa cho con chị cũng cắt giảm hết cỡ.

Không chỉ người nghèo, công nhân, lao động tự do, không có việc làm ổn định "ngả nghiêng" giữa tâm dịch của TPHCM mà dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng, biến nhiều người từ "có" thành "khó". Nhiều người bề ngoài tưởng như "sống chậm vượt dịch" nhưng thật ra đang "chật vật qua ngày".

Mất việc hoặc thu nhập giảm, nhiều nhân viên công sở, văn phòng đối diện với cuộc sống vô cùng khó khăn. Trong khi đây là đối tượng ít được chú ý, quan tâm.

Anh Trần Mạnh Đức kể: "Chỗ trọ của tôi, chủ giảm tiền nhà cho công nhân và người lao động tự do. Còn những người "ổn định" như mình nằm ngoài danh sách".

Tình cảnh này, anh nghĩ đến tình huống "cầu cứu" bố mẹ, anh chị từ quê viện trợ để sống qua ngày. Nhưng cậu rất khó mở lời vì lâu nay, ai cũng nghĩ là con em mình rất ổn, nên sợ làm người thân lo lắng thêm.

Những câu chuyện về nhân viên công sở như Nguyễn Thu An, Lê Thùy Minh, Trần Mạnh Đức diễn ra không thiếu trong thành phố. Có thể thu nhập không quá cao nhưng mặt bằng chung, lúc bình thường đời sống của họ khá thoải mái, không quá phải chật vật.

Tuy nhiên, nhiều người thiếu khả năng quản lý tài chính, lâu nay không biết cách tiết kiệm hay nặng gánh gia đình... nên khi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh quá lớn dẫn tới mất việc, thu nhập giảm, khiến họ trở tay không kịp.