Tiếng vang vọng ở làng đúc đồng 400 năm tuổi
(Dân trí) - Hơn 400 năm tồn tại, làng đúc đồng Phước Kiều (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn vang vọng tiếng đồng, in dấu hồn nghề qua bao thế hệ.
Hình thành từ thế kỷ XVII, làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng với các sản phẩm tinh xảo như chiêng, trống, tượng đồng. Không chỉ đơn thuần là một làng nghề, Phước Kiều còn là nơi lưu giữ nghệ thuật đúc đồng truyền thống qua nhiều thế hệ.
Trải qua bao thăng trầm, ngọn lửa của làng nghề vẫn được giữ vững, tạo nên thương hiệu đồng Phước Kiều vang danh khắp cả nước.
![Tiếng vang vọng ở làng đúc đồng 400 năm tuổi - 1 Tiếng vang vọng ở làng đúc đồng 400 năm tuổi - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/3bVuO9poWRTXgFJ1K-WwZnoHv3s=/thumb_w/1020/2025/02/10/1-1739183007936.jpg)
Tạo khuôn được xem là công đoạn khó nhất trong kỹ thuật đúc đồng ở làng Phước Kiều (Ảnh: Dương Ngọc Thắng).
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển, một trong những lão làng của nghề đúc đồng ở Phước Kiều, đã gắn bó với nghề từ sớm và thấu hiểu những giá trị cốt lõi làm nên danh tiếng của làng nghề.
"Ở Việt Nam có rất nhiều làng nghề đúc đồng, nhưng Phước Kiều lại có những đặc thù tạo nên thương hiệu riêng của một làng nghề truyền thống nổi danh không chỉ trong nước mà cả quốc tế", ông Tiển chia sẻ.
Theo ông Tiển, các sản phẩm của làng nghề không đơn thuần là vật dụng hay đồ trang trí, mà còn mang trong mình hồn cốt dân tộc.
"Những bộ chiêng, trống của Phước Kiều không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên. Âm thanh của chúng không chỉ vang vọng trong các lễ hội, mà còn góp phần vào việc gìn giữ và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", ông Tiển nói.
Có bề dày lịch sử đáng tự hào, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, đứng trước sự thay đổi của thị trường và khi sản phẩm công nghiệp ngày càng phổ biến với giá thành thấp hơn, các sản phẩm thủ công truyền thống gặp khó trong việc cạnh tranh.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng cho biết, đến thời điểm hiện tại còn rất ít người theo nghề đúc đồng, một phần vì công việc nặng nhọc, nguyên vật liệu hiện tại cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, một phần vì lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề thủ công.
![Tiếng vang vọng ở làng đúc đồng 400 năm tuổi - 2 Tiếng vang vọng ở làng đúc đồng 400 năm tuổi - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Yie5nMbGLZsqSZ9ZicGGPuxKUoo=/thumb_w/1020/2025/02/10/2-edited-1739183412649.jpeg)
Một số sản phẩm từ làng đúc đồng Phước Kiều (Ảnh: Trang làng đúc đồng Phước Kiều).
"Để tiếp tục duy trì và giữ lửa làng nghề, chúng tôi cũng tích cực đổi mới từ thiết kế đến mẫu mã, giá thành sản phẩm cũng được cân nhắc để phù hợp hơn với thị trường", ông Dương Ngọc Thắng chia sẻ.
Theo người dân làng Phước Kiều, để nghề đúc đồng truyền thống không bị mai một, bên cạnh tinh thần và trách nhiệm của người làm nghề còn cần phải có nhiều hơn nữa sự tiếp nối và kế thừa của những thế hệ trẻ.
Dẫu khó khăn là vậy, những người thợ lành nghề ở Phước Kiều vẫn kiên trì giữ lửa. Họ không chỉ cải tiến kỹ thuật, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại mà còn nỗ lực đưa sản phẩm của làng vươn xa hơn.
Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều làng nghề dần mai một, Phước Kiều vẫn kiên trì giữ lửa. Ngọn lửa không chỉ rực cháy trong từng lò đúc mà còn trong tinh thần của những người con làng nghề, những người đã và đang nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát triển một di sản quý giá của dân tộc.
Kim Duyên