Tiền thưởng Tết năm 2018 ra sao?

(Dân trí) - Theo ông Tống Văn Lai, Cục phó Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), mức thưởng Tết năm 2018 sẽ phụ thuộc vào các chỉ số CPI, GDP, tình hình thị trường lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.


Mức thưởng Tết 2017 cao nhất đạt 1 tỉ đồng (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Mức thưởng Tết 2017 cao nhất đạt 1 tỉ đồng (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Trao đổi với PV Dân trí về thông tin tiền thưởng Tết 2018, ông Tống Văn Lai nhận định: “Về tinh thần chung, mức thưởng Tết năm 2018 có nhiều khả năng cũng giống như năm trước. Các chỉ số CPI và GDP có tác dụng nhất định tới mức lương, thưởng Tết 2018. Ngoài ra, việc thưởng Tết còn phụ thuộc vào thị trường lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Tống Văn Lai, đánh giá tổng quát mức lương của năm 2017 cần tính tới việc điều chỉnh của tăng lương tối thiểu. “Lương tối thiểu 2017 có mức tăng tương đương năm 2016. Tôi cho rằng mức tăng lương của 2017 cũng sẽ như năm 2016” - ông Tống Văn Lai cho biết.

Thưởng Tết 2017: Mức cao nhất đạt 1 tỉ đồng

Thưởng tết dương lịch 2017: Mức thưởng bình quân là 1.253.000 đồng/người, tăng 6,2 % so với mức thưởng tết dương lịch năm 2016. Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP HCM là 1 tỉ đồng. Đây cũng là mức thưởng cao nhất trong dịp Tết âm lịch 2017. Mức thưởng tết dương lịch thấp nhất là 30.000 đồng/người, tại doanh nghiệp FDI tại Thanh Hoá. Mức thưởng này bằng với mức thấp nhất của năm 2015.

Thưởng Tết Nguyên Đán Đinh Dậu (2017): Mức thưởng bình quân đạt khoảng 1 tháng lương, khoảng 4.900.000 đồng/tháng, bằng 96 % so với năm 2016. Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI tại TP HCM là 1 tỉ đồng, một doanh nghiệp FDI tại Hải Dương cũng có mức thưởng khá cao là 624 triệu đồng.

Mức thưởng thấp nhất được thống kê là 50.000 đồng/tháng (tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Bến Tre, tại doanh nghiệp FDI ở các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương), so với năm 2016 là 40.000 đồng/người.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH khẩn trương khảo sát tình hình tiền lương, nợ lương năm 2017 và kế hoạch thưởng theo kết quả kinh doanh trong dịp Tết 2018 cho người lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn.

Cụ thể, các Sở LĐ-TB&XH thông qua bộ phận chuyên môn đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn thống kê số lao động trong doanh nghiệp có kế hoạch được thưởng Tết, mức thưởng bình quân của người lao động, mức thưởng bình quân, mức thưởng cao nhất và thấp nhất.

Đồng thời, các sở LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức công đoàn rà soát các loại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thoả thuận, xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 theo Điều 103 Bộ Luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp thống kê tình hình thanh toán tiền lương của năm 2017, trong đó tiền lương cao nhất, lương thấp nhất và mức trung bình trong doanh nghiệp.

Về tình hình nợ lương năm 2017, các sở LĐ-TB&XH thống kê số doanh nghiệp nợ lương, số lao động bị nợ lương và số tiền lương bị nợ với các nguyên nhân khó khăn tạm dừng hoạt động, phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

Các lĩnh vực được yêu cầu thống kê đều sử dụng nhiều lao động làm việc, như: Dệt may, da giày, thuỷ sản, gỗ…

4 nhóm doanh nghiệp thống kê lương thưởng

Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, doanh nghiệp dân doanh gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn của nhà nước, công ty cổ phần không có vốn chi phối của nhà nước.

Hoàng Mạnh