“Tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc còn trên 30%”

(Dân trí) - Làm sao để giảm tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài đang khá cao? Người dân ở vùng sâu vùng xa đang gặp nhiều tình trạng lừa đảo XKLĐ? Vì sao lao động người dân tộc tham gia chương XKLĐ theo diện huyện nghèo bỏ về nước nhiều?

Lao động Việt Nam đi XKLĐ làm thủ tục về nước

Lao động Việt Nam đi XKLĐ làm thủ tục về nước

Đây là một số câu hỏi của các đại biểu quốc hội trong phiên trả lời chất vấn ngày 19/11 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

* Về tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết lao động Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Hàn Quốc đang dẫn đầu, với khoảng 16.000 người (chiếm trên 30 % số lao động phải về nước đúng hạn)

“Phía Hàn Quốc yêu cầu chúng ta phải giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn thuộc diện phải về nước xuống dưới 30 % thì mới ký tiếp (Bản ghi nhớ hợp tác lao động theo Chương trình EPS với Việt Nam)” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đưa cán bộ tới 13 tỉnh, thành có nhiều lao động bỏ trốn để vận động gia đình lao động kêu gọi con, em về nước; xử phạt hơn 300 trường hợp không về nước; yêu cầu lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc đóng ký quỹ 100 triệu đồng/người…

“Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ cho phép cử đại diện sang Hàn Quốc để tới tuyên truyền các doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền gặp gỡ lao động VN từ Lybia về nước.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền gặp gỡ lao động VN từ Lybia về nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận lao động Việt Nam còn thua về khả năng sử dụng ngoại ngữ so với lao động của các nước Malayxia, Philipin. Trong khi đó, cơ chế cung cấp thông tin cho lao động Việt Nam trước khi xuất cảnh còn kém và ngắn ngày.

“Chúng ta có khoảng 70 doanh nghiệp XKLĐ. Khi triển khai đưa lao động tham gia XKLĐ, có doanh nghiệp chỉ đào tạo, cung cấp thông tin trong 15 ngày, 1 tháng hoặc 2 tháng về thị trường sẽ tới làm việc”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất: Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng những quy định cụ thể hơn trong việc đào tạo cho lao động, nhằm giữ vị thế và hình ảnh của người lao động Việt Nam khi tham gia XKLĐ.

* Trả lời những bức xúc về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng do nhu cầu thực tế về việc làm và thu nhập của người lao động còn cao.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ký thông tư liên tịch với Bộ Công an để phát hiện và xử lý những trường hợp lừa đảo. Bộ LĐ-TB&XH khuyến cáo lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ nên tham khảo thông tin về danh sách các doanh nghiệp XKLĐ tại Cổng thông tin của Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH): www.dolab.gov.vn. 

Đồng thời, người lao động cũng nên tìm hiểu về thị trường và đơn hàng cụ thể của doanh nghiệp trước khi tham gia XKLĐ. Tránh trường hợp đi ra nước ngoài rồi phải bỏ dở về nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh tới trách nhiệm của chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt và cụ thể hơn. “Vì đa số các vụ việc lừa đảo XKLĐ đều xảy ra ở địa phương”.

* Về tình trạng lao động người dân tộc bỏ về nước khi đang tham gia chương trình XKLĐ cho huyện nghèo theo Quyết định 71, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận đây là một thực tế. Con số lao động người dân tộc đi XKLĐ chưa được như mong đợi.

Đại diện của Bộ LĐ-TB&XH nêu ra nhiều nguyên nhân như: Do phong tục tập quán của người dân tộc đã ăn sâu vào tâm thức, nên chưa quen với việc đi xa nhà thời gian dài; trình độ học vấn thấp khiến việc đào tạo cho người lao động còn khó khăn; Doanh nghiệp XKLĐ ngại tham gia chương trình vì việc tiếp cận với địa bàn này xa xôi, đi lại khó khăn dù Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích.

“Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiêm túc đánh giá lại kết quả triển khai chương trình XKLĐ theo quyết định 71. Ngày 5/12 tới đây chúng tôi sẽ tổng kết với các tỉnh Tây Nam Bộ, sau đó là các tỉnh Tây Bắc” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Hoàng Mạnh lược ghi