Chuyện về những lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

(Dân trí) - “Nhà hàng tổ chức tiệc cưới đã đặt ở Hàn Quốc, thiếp mời đã phát đi. Nhưng không may mắn, trước ngày lễ quan trọng của cuộc đời thì anh Tuấn bị nhân viên xuất nhập cảnh ập vào bắt khi đang làm việc bất hợp pháp.”.

Lao động Việt Nam tại sân bay Incheon (Hàn Quốc)
Lao động Việt Nam tại sân bay Incheon (Hàn Quốc)

Chị Nguyễn Thị Lan (cư trú ở Deagu, Hàn Quốc) vừa phải thông báo với bạn bè hủy lễ, vừa phải tất tả xếp quần áo, giấy tờ lên trại giam để chồng chưa cưới về nước. Câu chuyện của chị Lan chỉ là một “lát cắt” nhỏ về cuộc sống của những lao động Việt nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay.

Thu nhập cao

Hàn Quốc không có nhiều thương gia người Việt làm ăn lâu dài. Đa số người Việt đến Hàn Quốc là lao động phổ thông và tìm kiếm đồng tiền từ sức lao động chân chính của mình.

Sự chênh lệch giữa thu nhập ở quê nhà và nơi đất khách khá lớn. Mức thu nhập bình quân mỗi tháng trên 1.000 USD tại Hàn Quốc (những người có tay nghề và chịu khó có thể thu nhập hơn 2000 USD) quá hấp dẫn, giữ chân người lao động.

Chênh lệch về thu nhập giữa việc làm ở trong nước và tại Hàn Quốc là nguyên nhân chính khiến người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp, dù họ biết hành vi này sai trái và vi phạm pháp luật.

Lao động Việt nam làm việc tại một nhà máy ở Busan tại Hàn Quốc
Lao động Việt nam làm việc tại một nhà máy ở Busan tại Hàn Quốc

Một số người lao động vì những lý do chủ quan như quên ngày gia hạn visa, có quan hệ lao động không tốt, chuyển đổi nơi làm việc quá nhiều dẫn đến không thể gia hạn hợp đồng lao động nên đã trở thành bất hợp pháp một cách bất đắc dĩ.

Những “nẻo” đời

Lao động cư trú bất hợp pháp phải chấp nhận nhiều hiểm nguy, không được đảm bảo quyền lợi bình đẳng về an sinh và thành quả lao động. Họ thường xuyên đối diện với những hiểm nguy tiềm ẩn trong chuỗi ngày mưu sinh nơi xứ người vì nguyên nhân do chính mình gây nên.

Để có được những đồng tiền công, người làm việc bất hợp pháp phải chấp nhận cả những mất mát về tình cảm gia đình - cấu nối giúp họ có thêm nghị lực làm việc.

Chị Nguyễn Thị Lan, người Nghệ An, sang Hàn Quốc được 2 năm theo chương trình EPS, kể rằng chị và anh Tuấn đã yêu nhau được 2 năm. Tại Việt Nam, gia đình anh Tuấn đã mang cau trầu xin cưới tới nhà chị Lan. Hai người dự tính dọn về ở chung một nhà và ra mắt bạn bè bằng một đám cưới nhỏ nơi đất khách quê người.

“Thiếp mời đã phát, nhà hàng đã đặt. Nhưng không may mắn, trước ngày lễ quan trọng của cuộc đời thì anh Tuấn bị nhân viên xuất nhập cảnh ập vào bắt khi đang làm việc bất hợp pháp”.

Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở Busan (Hàn Quốc)
Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở Busan (Hàn Quốc)

Chị Nguyễn Thị Lan vừa phải thông báo với bạn bè hủy lễ, vừa phải tất tả xếp quần áo, giấy tờ lên trại giam để chồng chưa cưới về nước. Chị tâm sự thật lòng, hai người khi chưa cưới xin, chưa đăng ký, không có ràng buộc, xa nhau như thế này thì không biết có giữ được mình không.

“Về nước cùng anh Tuấn thì chưa muốn, vì tôi đang còn hợp đồng 2 năm nữa, cũng phải lo tích góp cho tương lai” - chị Lan tâm sự.

Vào Google gõ từ khóa: “Lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc”, chỉ sau 0.37 giây đã có 4.220.000 kết quả!. Con số ấn tượng đã nói lên sự quan tâm của dư luận cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Phía sau con số trên là những cảnh đời ngọt ít và đắng cay nhiều.



Câu chuyện của chị Hồng, người mới sang Hàn Quốc được hơn 2 tháng, còn đáng thương hơn. Chị tâm sự rằng biết thế này sẽ chẳng sang đây.

“Chồng muốn làm thủ tục cho tôi sang Hàn Quốc. Tôi đã cản vì anh là lao động bất hợp pháp, biết tương lai thế nào. Nhưng anh ấy không chịu. Anh bảo ở lâu rồi đã có kinh nghiệm đối phó, không sao đâu” - chị Hồng bộc bạch.

Thương chồng và cũng vì thiếu thốn tình cảm, chị Hồng đành sang Hàn Quốc theo hình thức du lịch. Đoàn tụ với chồng chưa đầy 1 tháng, chồng chị bị bắt cũng với lý do lao động bất hợp pháp.

Chị Hồng về cũng không được mà ở lại cũng không xong.

Tích lũy nhiều tiền?

Sang Hàn Quốc mấy năm đầu, ai cũng say mê làm thêm, thậm chí làm đêm để có được nhiều thu nhập gửi về cho gia đình. Nhưng cũng có nhiều người làm việc bất hợp pháp nhiều năm tại Hàn Quốc thì việc gửi tiền về gia đình càng ngày càng giảm, thậm chí cả năm không gửi tiền về.

Chúng tôi đã gặp một số người bạn đang làm việc bất hợ pháp tại Coeche, khu vực tập trung nhiều nhà máy đóng tàu. Thu nhập của anh em cao. Nhưng nhiều người nướng hết vào vào lô đề, cờ bạc.

Có người qua bên này khi còn trẻ, lúc hợp đồng hết hạn mới chỉ có 26, 27 tuổi, chưa vợ con, chưa phải lo nghĩ, nên kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.

Anh Hùng Anh nói: “Bên này như một xã hội Việt Nam thu nhỏ thôi anh, ở nhà có gì bên này có cái nấy, miễn là anh có tiền”.

Anh cho tôi xem một đoạn video đang được đăng tải trên mạng về 20 người lao động bất hợp pháp Việt nam vừa bị cảnh sát Deagu bắt vì hành vi đánh bạc. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của một chị chủ quán ăn người Việt ở Busan “có những người ở càng lâu càng không tiền”.

Ngoài câu chuyện về tệ nạn xã hội, cũng có một số người ở lại vì vướng bận vào chuyện tình cảm với các chị em di trú lấy chồng Hàn không thể dứt ra để về nước.

Người viết bài này đã hơn một lần được chứng kiến những giợt nước mắt của người vợ ở Việt Nam từng gửi đơn đề nghị hỗ trợ xác định nơi cư trú của chồng ở Hàn Quốc để làm thủ tục ly dị vắng mặt.

Châu Anh