Thương lái liên tục "chốt đơn", người trồng đào mải bán hàng quên cả ngủ
(Dân trí) - Mới đầu tháng Chạp nhưng hầu hết các vườn đào tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã có thương lái đặt mua. Các chủ vườn phấn khởi "chốt đơn" quên ngủ, quên ăn.
Trưa một ngày đầu tháng Chạp, ông Lê Văn Hùng (49 tuổi), thôn 5, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dẫn thương lái đi xem đào. Năm nay, gia đình ông Hùng có 600 gốc đào phai ghép, đến thời điểm này đã bán gần 500 gốc, thu lãi hơn 400 triệu đồng.
"Chưa năm nào không khí mua, bán đào Tết lại nhộn nhịp như năm nay. Từ cuối tháng 11 đến nay, ngày nào cũng có thương lái đến mua đào. Bán được hàng, tôi rất phấn khởi, làm việc không biết mệt nhọc, có hôm mải "chốt đơn" quên cả ngủ, cả ăn", ông Hùng nói.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng đào, theo ông Hùng, để cây đào phai ghép bung nở đúng thời điểm, người trồng phải chăm chút từ khâu tỉa cành, tuốt lá đến điều chỉnh nước tưới. Nếu thời tiết lạnh, sẽ phủ bạt hoặc sử dụng bóng đèn sưởi ấm để cây phát triển đều, hoa nở đẹp. Từ cuối tháng 10, nhà ông Hùng phải thuê 5 lao động để chăm sóc đào.
Ông chủ vườn đào cho hay, đào phai ghép ở xã Cán Khê nổi bật với nhiều dáng, thế cây đẹp, hoa dày cánh, màu sắc tươi tắn, phù hợp với thị hiếu người mua.
Cũng đang tất bật dẫn khách đi chọn đào, ông Lê Văn Long (46 tuổi), ở thôn 5, xã Cán Khê cho biết, đào năm nay được giá hơn so với mọi năm, trung bình mỗi gốc có giá cao hơn từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Lý do là ảnh hưởng của bão Yagi, nhiều vườn đào ở miền Bắc bị thiệt hại, mất mùa.
Gia đình ông Long đang sở hữu gần 500 gốc đào phai ghép, giá bán trung bình 1-4 triệu đồng/cây. Dự tính, năm nay sau khi trừ hết kinh phí, người nông dân này thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Bên cạnh việc "chốt đơn" cho khách, ông Long cũng như các chủ vườn khác đang gối vụ, chăm sóc phôi đào mới nhập về từ Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La... Phôi đào được nhập từ các tỉnh miền núi phía Bắc với giá trung bình mỗi gốc 400.000-600.000 đồng, sau 1 năm chăm sóc sẽ có giá 2-4 triệu đồng/cây.
Ông Bùi Công Phúc (một thương lái) cho biết, năm nay, ông đặt mua 300 cây đào ở xã Cán Khê. Đến thời điểm này, ông đã bán được 70 cây.
"Năm nay, giá đào tăng khoảng 30% vì số lượng hàng khan hiếm. Tôi đi lấy hàng sớm, giá phải chăng. Hy vọng bán nhanh hết hàng, mang Tết ấm về với vợ, con", ông Phúc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Khê cho biết toàn xã có hơn 16ha đào, với 42 hộ tham gia trồng. Dự kiến, năm nay cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 gốc đào, bao gồm đào phai ghép và đào phai bản địa, ước tính doanh thu gần 4 tỷ đồng.
"Năm nay, người trồng phấn khởi khi thương lái đổ xô đến đặt mua đào từ khá sớm. Giá đào tăng 20-30% so với mọi năm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân", ông Sáu nói.
Theo ông Sáu, những vườn đào đang giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 60 lao động, mức lương 250.000-300.000 đồng/người/ngày.
"Cây đào mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Thời gian tới, UBND xã sẽ rà soát diện tích trồng hoa màu, lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng đào. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu đào Cán Khê, tạo điều kiện để các hộ tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm", ông Sáu thông tin thêm.