Ninh Bình: Kiếm cả tỷ đồng từ đào phai dịp cận Tết
(Dân trí) - Từ vùng đất đồi khô cằn sỏi đá chỉ trồng được ngô, khoai, sắn… người dân xã Đông Sơn (Ninh Bình) đã biến nơi đây thành những vườn đào phai rộng bạt ngàn. Cận Tết, về “thủ phủ” đào phai này, người dân nô nức thu hoạch đào. Mỗi năm người dân trong xã “đút túi” hàng chục tỷ đồng.
Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình xưa kia vốn là “vùng đất khó”, bởi nơi đây chỉ toàn là đất đồi khô cằn sỏi đá.
Người dân Đông Sơn muốn phát triển kinh tế cũng khó, bởi các cây trồng chủ lực của địa phương xưa kia đều là những cây truyền thống cho năng suất và giá trị thấp.
Những năm gần đây, Đông Sơn trở nên nổi tiếng, không chỉ được người dân trong vùng biết đến, mà các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… cũng biết đến vùng đất này.
Bởi nơi đây, vùng đất “khô cằn sỏi đá” xưa kia giờ đã biến thành “thủ phủ” đào phai lớn nhất vùng đất Ninh Bình.
Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn, cho biết: "Toàn xã hiện nay có 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích lên đến trên 150 ha. Có khoảng 70% người dân trồng đào, với chừng 50% dân số của xã tham gia việc trồng chăm sóc cây đào và có thu nhập từ công việc này".
Nói về vụ đào dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 sắp đến, ông Sỹ vui mừng: “Thời tiết năm nay thuận lợi nên cây đào sinh trưởng và phát triển tốt, nở đúng dịp xuân mới nên người dân rất vui mừng phấn khởi. Năm nay, hộ gia đình nào cũng có đào bán Tết, người dân ở các làng nghề đang nô nức trong vụ đào Tết năm nay”.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn, bình quân mỗi năm toàn xã thu lợi từ cây đào trên dưới 20 tỷ đồng. Vụ đào năm nay thuận lợi, cả xã ước thu về trên 20 tỷ đồng.
Bà con nhân dân trong xã ăn Tết ấm áp vui tươi hơn nhờ thắng lợi vụ đào.
Có mặt trên những cánh đồng đào rộng bạt ngàn những ngày cận Tết ở Đông Sơn chúng tôi ghi nhận, người dân đang rất vui mừng phấn khởi thu hoạch đào. Những cánh đào phai đang đua nhau khoe sắc thắm báo hiệu mùa xuân mới đến, cũng là vụ đào bội thu cho bà con nông dân.
Chị Phạm Thị Tâm, thôn 6, xã Đông Sơn chia sẻ, gia đình năm nay có chừng 400 gốc đào xuất ra thị trường. Thời điểm trước Tết Nguyên đán chừng 15 ngày đã có nhiều khách hàng đến hỏi mua đào.
Đến dịp này, cơ bản nhiều gốc đào thế đẹp, hoa nụ bắt đầu khoe sắc… đều đã được khách hàng đặt mua.
Chị Tâm cho hay, trồng đào không tốn nhiều công sức, một năm chỉ bón phân 3 lần, tỉa cành, làm cỏ, gần Tết thì tuốt lá đúng thời gian để hoa đào nở vào dịp Tết.
“Một năm trồng cây, chăm bón đã vất vả, Tết đến lại phải chăm lo bán đào, được cái tất bật hơn nhưng vui vì vụ đào đẹp, được giá, gia đình có thêm thu nhập”, chị Tâm nói.
Với số lượng đào trên, gia đình chị Tâm năm nay ước thu về số tiền trên 200 triệu đồng. Chưa kể, gia đình chị còn trồng thêm mai vàng, đào thất thốn và nhiều cây đào thế… Tổng thu nhập từ trồng các loại hoa bán Tết, gia đình chị “đút túi” hàng trăm triệu đồng một năm.
Anh Phạm Thanh Tuân nhà đối diện UBND xã Đông Sơn vui mừng nói: “Vụ đào năm nay, giá đào tăng từ 20 - 30%. Chưa kể những cây đào thế, đào dáng đẹp giá còn tăng hơn nữa trên 50%. Mỗi gốc đào bình quân từ 500 - 1.000.000 đồng, có cây lên đến 4 hoặc 5 triệu đồng”.
Hàng trăm gốc đào trong vườn của gia đình anh Tuân đều đã được khách đặt mua. Nhiều người mua nhưng chưa đưa về mà vẫn gửi lại nhà vườn, đến cận Tết với đưa về trưng. Nhiều người mua đã cưa sát gốc, hoặc bứng cả cây đưa về chơi Tết, tùy theo sở thích của mỗi người.
“Đa phần các cây đào thu hoạch bán vào dịp Tết đều có thời gian trồng từ 2 đến 3 năm. Các cây đào được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận theo đúng quy trình nên cho thân thẳng, cành to, trổ nhiều nụ và hoa cánh to, đều với màu sắc hồng phai đặc trưng của đào Đông Sơn”, anh Tuân bật mí.
Ông Sỹ chia sẻ thêm, thời gian tới xã sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cho cây đào, giống cây trồng chủ lực của địa phương hiện nay.
“Chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa để người dân phát triển cây đào phai Đông Sơn theo hướng đào thế, đào đặc trưng, xây dựng các mô hình như ghép, triết, phòng bệnh dịch để cây đào sinh trưởng phát triển tốt, thu hoạch đúng thời vụ để người dân bán ra có thu nhập cao hơn”, ông Sỹ nói.
Thái Bá