DMagazine

Thương binh làm giàu nơi đất khách

(Dân trí) - Từ Kiên Giang lên Bình Dương mới hơn 10 năm nhưng thương binh Lê Văn Tân đã trở thành biểu tượng về làm ăn kinh tế của người dân bản địa. Mỗi tháng, ông Tân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.

Thương binh làm giàu nơi đất khách

Thương binh làm giàu nơi đất khách

Từ Kiên Giang lên Bình Dương mới hơn 10 năm nhưng thương binh Lê Văn Tân đã trở thành biểu tượng về làm ăn kinh tế của người dân bản địa. Mỗi tháng, ông Tân có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.

Vươn lên từ hoảng loạn

Nhắc đến ông Lê Văn Tân (50 tuổi, ngụ huyện Bến Cát, Bình Dương) không ít người dân phải "ngả mũ" kính nể về tính siêng năng, chịu khó và khả năng tính toán làm ăn kinh tế.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 1
Thương binh Lê Văn Tân

Gia tài của ông bây giờ là một dãy nhà trọ 14 phòng cho thuê và công việc ổn định từ việc kinh doanh giò, chả, bún. Hậu thuẫn cho ông là một người vợ nhân hậu và 3 người con khôn lớn.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 2
Gia đình nhỏ cuả ông Tân
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 3
Ông Tân đang đứng trước dãy nhà trọ của mình
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 4
Ông Tân tự tay bê bún chất lên xe, chở ra chợ bán mỗi ngày 2 lượt
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 5
Ông tự tay làm tất cả các công việc theo phương châm “thương bình tàn nhưng không phế”

Gặp ông những ngày cuối tháng 7, ông đang hối hả để hoàn thành một căn nhà mới với giá trị gần 2 tỷ đồng. Nhìn cách ông di chuyển để chỉ huy thợ xây, kiểm đếm vật liệu, ít ai ngờ ông bị cụt một chân do chiến tranh. 

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 6
Ông Tân đang tất bật với công trình nhà đang xây của mình

Khi kể về quá trình làm giàu, ông cho biết đã phải trải qua nhiều gian truân, thách thức. Nhiều lúc ông chán nản. Nhưng nghị lực của một người lính không cho phép ông gục ngã. 

"Sau khi bị thương thì về ở dưới quê. Vết thương còn đau nhưng mình vẫn quyết tâm ra đồng ruộng làm việc. Mình nghĩ không thể nằm nhà để bố mẹ nuôi như vậy. Ở quê mình làm đủ thứ nghề như trồng lúa, chăn heo, nuôi cá", ông Tân nhớ lại.

Để được như ngày hôm nay, ông Tân phải đưa ra một quyết định khá khó khăn là rời xa quê hương từ Kiên Giang lên Bình Dương lập nghiệp. Vì thương con, gia đình ông Tân không muốn con phải xa nhà nhưng ông vẫn quyết tâm phải làm giàu. 

"Năm 2007 mình cảm thấy làm ăn ở dưới quê không phù hợp. Quê mình thì vùng sông nước nhiều sình lầy nên việc đi làm, làm việc rất khó khăn. Mình quyết định bán đất rồi lên Bình Dương mua đất xây nhà trọ để phù hợp hơn", ông Tân kể.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 7
Với đôi chân không lành lặn, ông Tân thấy mình không thể làm tốt việc đồng áng

Sau khi xây phòng trọ xong, ông Tân cho công nhân thuê để kiếm tiền nuôi bản thân và tích góp. Công việc coi nhà trọ khá nhàn hạ nên ông Tân lại chuyển sang bán tạp hóa, bán giò, chả, bún. Bằng sự khéo léo và siêng năng, khách hàng mua sỉ cứ mỗi ngày nhiều lên và tạo ra một thu nhập lớn cho gia đình. 

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 8
Ông Tân thường xuyên đi kiểm tra gian nhà trọ, nhắc nhở người thuê giữ gọn gàng, ngăn nắp chỗ ở
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 9
Ông Tân đang kiểm tra tình hình an toàn điện trong dãy nhà trọ của mình
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 10
Theo những công nhân thuê trọ thì ông Tân sống chan hoà, hay quan tâm, thăm hỏi người sống trong dãy nhà trọ của mình. “Dịch Covid-19, ông Tân giảm phân nửa tiền cho 3 tháng liền”, một người thuê cho biết
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 11
Mỗi phòng trọ ông Tân cho thuê mỗi tháng 900.000 đồng, tính luôn điện nước thì hơn một triệu

"Tầm 3 giờ sáng, mình đã dậy soạn bún, giò, chả... rồi chở hàng ra ngoài chợ. Ra đó, mình chiên chả và đi giao hàng cho khách tới tầm 6 giờ sáng. Sau đó, mình ngồi bán cho những khách mua lẻ bán đến tầm 11 giờ là dọn hàng về. Trưa về nghỉ ăn cơm, nghỉ ngơi rồi đến 3h lại tiếp tục công việc như vậy đến 20-21h ", ông Tân tâm sự.

Năm 2010, ông lập gia đình. Bằng sự đồng cảm, chia sẻ của hai vợ chồng, công việc của ông Tân càng ngày càng phát triển.

Hiện ông đã có 3 người con. Người vợ hiền cũng phụ ông buôn bán ở ngoài chợ. Thu nhập ổn định từ nhà trọ và công việc kinh doanh ở chợ, mỗi tháng ông Tân có "bỏ túi" hơn 30 triệu đồng. Một thu nhập mà nhiều người khỏe mạnh, lành lặn mơ ước cũng không có được. 

 "Đời lính đã tôi luyện tôi mạnh mẽ"

Ông Tân sinh năm 1970, năm 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ để đi chiến trường Campuchia tiêu diệt Pol Pot.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 12
Ông làm công việc thông tin liên lạc tại Sư đoàn 330, tiểu đoàn trinh sát.
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 13
Ông luôn là người tiên phong cùng với chỉ huy để làm nhiệm vụ liên lạc khi cần thiết. 

Từ một người có phần nhút nhát, nhưng khi được rèn luyện trong môi trường quân đội, ông đã trưởng thành là người gan dạ. Với ông, được cống hiến cho Tổ Quốc là niềm vinh dự, dẫu có chết cũng an vui. Mỗi lần đi chiến đấu phải leo hàng chục km đường đồi núi, bom đạm bủa vây nhưng ông Tân không hề sợ hãi. 

"Phải công nhận môi trường quân đội rèn luyện con người trở lên mạnh mẽ. Khi vào môi trường quân đội mọi người tự động sống có kỷ luật. Tình cảm đồng đội cũng gắn bó như anh em ruột thịt", ông Tân cho hay. 

"Vào khoảng tháng 2/1989 thì đi chiến dịch ở trong Pailin, Campuchia thì tiểu đoàn bị quân Pol Pot đột kích. Trên đường rút về nhà ở trong rừng thì một số anh em hy sinh vì vướng vào mìn. Nhưng không ai bỏ xác đồng đội lại. Anh em nào bị thương thì khiêng về hết, hy sinh cũng khiêng về. Mình đi đâu thì đưa anh, em đi theo, cuối cùng thì cũng ra được bên ngoài", ông Tân nhớ lại. 

Ông Tân cho biết đối với bộ đội thông tin lúc bấy giờ thì phải cần tuyệt đối chính xác. Chỉ cần một chút sai sót có thể định vị sai vị trí, gây khó khăn cho hướng chiến đấu của toàn quân. 

"Ví dụ, mình xác định tọa độ để gọi pháo bắn tới chỗ địch. Nếu mình không xác định được điểm mình đứng thì còn nguy hiểm, chết", ông Tân nhớ lại. 

Trúng mìn đứt lìa bàn chân, bay lên không trung

Chiến đấu được 2 năm, ông Tân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, trong một lần đi chặt cây làm cáng cho đồng đội, ông bị trúng mìn và bỏ lại một phần cơ thể ở đất Campuchia. 

"Trong lúc chặt cây thì va vào mìn nổ làm mình bay lên khoảng hơn 1 mét rồi ngã xuống khiến một bàn chân rơi ra. Bên quân y người ta lên băng bó vết thương carô lại cho mình rồi nằm trong rừng hết 1 ngày 2 đêm thì anh, em mới khiêng ra ngoài được bệnh viện dã chiến. Sau đấy  người ta phẫu thuật, cưa chân ngày bị thương thì trúng ngày quốc tế lao động 1/5/1989", ông Tân kể lại. 

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 14
Ông Tân chỉ vào vết thương của mình hằn sâu vào da thịt trên chiếc chân còn lại
Thương binh làm giàu nơi đất khách - 15
Ông Tân nhớ như in cái ngày mình bị thương là 1/5/1989

Ông Tâm cho biết, khoảng 1 tiếng sau khi bị thương thì hai chân ông đau buốt dữ dội. Phải mấy tháng sau vết thương mới đỡ đau nhức và ông được làm chân giả để đi lại. Tuy vậy, cảm giác khi bị cưa chân khiến ông không thể nào quên. 

"Cưa xong thì chân đau buốt vì đụng tới tủy sống. Tầm 3 tháng sau, tôi được phẫu thuật mài đầu xương. Rồi mấy tháng sau được đi lắp chân giả. Cảm giác đó tôi sẽ nhớ mãi", ông Tân cho hay. 

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 16

Ngày đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và trở về Việt Nam, biết nhiều đồng đội đã hy sinh, ông Tâm thấy mình vẫn còn may mắn.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 17
Tuy vậy, nhiều đêm nhìn lại một chân đã bị cưa bỏ, ông không khỏi bùi ngùi. Từ đó, càng tạo thêm động lực để ông phấn đấu. 

"Vui vì mình trở về được từ chiến trường khốc liệt tuy bị thương còn sống. Mình buồn vì mình nghĩ cha mẹ sinh mình ra lành lặn mà giờ bị cụt hết một phần thân thể, cũng buồn mấy năm. Sau này lấy vợ thì từ đó mình mới thấy nhiều người dù bị thương tật, nhưng họ vẫn làm ăn phát đạt, giàu có từ đó mình quyết chí phấn đấu", ông Tân ngậm ngùi.

Nhân dịp 27/7 sắp tới, ông Tân cầu chúc cho các anh, chị, em thương binh hay bệnh binh được dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt. Quyết chí vươn lên như lời bác Hồ đã nói "Thương binh, tàn nhưng không phế”.

Thương binh làm giàu nơi đất khách - 18

Bà Nguyễn Đỗ Quên - Cán bộ Thương binh xã hội, phường Thới Hòa - Thị xã Bến Cát cho biết: “Ngoài các hoạt động thường nhật của gia đình, anh Tân còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Anh Tân cũng là tấm gương trong hoạt động nhân ái, thường xuyên trính tiền túi hỗ trợ cho các công nhân hay những nguời cần giúp đỡ. Chúng tôi đã đề xuất tuyên dương trường hợp của anh Tân, một gương tiêu biểu trong việc vươn lên vượt khó làm giàu thời gian sắp tới”.