Thủ tướng: Mỗi sáng kiến sản xuất đều là tấm lòng tâm huyết với đất nước!
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi sáng kiến trong lao động sản xuất đều là tâm huyết với đất nước, là sự tiếp nối tinh thần sáng tạo của bãi cọc Bạch Đằng, của cuộc hành quân Ngọc Hồi thần tốc.
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong chương trình "75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển". Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức.
Sáng tạo là tấm lòng, tâm huyết
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có sáng kiến cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của tổ chức công đoàn và đất nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế xã hội, thông qua việc tổ chức chương trình tuyên dương các sáng kiến, vượt khó và phát triển năm qua.
Thủ tướng khẳng định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Sáng kiến và kinh nghiệm là vốn quý chung cho cả dân tộc". Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước luôn luôn coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động.
Điều này được người đứng đầu Chính phủ minh chứng bằng những bài học về phát huy tinh thần sáng tạo để bảo vệ và xây dựng đất nước, từ chuyện bãi cọc Bạch Đằng giúp tướng sĩ nhà Trần ba lần đánh tan các đạo quân xâm lược, chuyện cuộc hành quân thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh của Quang Trung - Nguyễn Huệ, chuyện những sáng kiến độc đáo tới chuyện chiếc xe đạp thồ đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, việc cải tiến tên lửa SAM2 để bắn rơi pháo đài bay B52…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát 2 năm qua, Thủ tướng đánh giá cao chủ trương của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc phát động và triển khai chương trình 75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, người lao động cả nước.
Thủ tướng ghi nhận, chỉ sau gần 3 tháng phát động, chương trình đã nhận được hơn 250.000 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực của những trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, công chức, viên chức, công nhân sản xuất trực tiếp, chiến sĩ, lực lượng vũ trang. Nhiều sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Cũng những sáng kiến bình dị, gần gũi nhưng rất thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến đó, ý tưởng đó, kinh nghiệm đó đều là tấm lòng, sự tâm huyết của người lao động với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và đất nước. Đây là những điển hình sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ người lao động Việt Nam thời kỳ đổi mới, càng trong những hoàn cảnh khó khăn càng được phát huy mạnh mẽ. Càng khó khăn càng đoàn kết, càng khó khăn càng sáng tạo của người Việt Nam".
Trên cơ sở của sự thành công của chương trình 75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục nhân rộng mô hình, triển khai chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19", từ tháng 9/2021 đến hết năm 2023.
Vượt hơn 300% mục tiêu đề ra
Tại buổi lễ, bên cạnh việc tuyên dương 7 tập thể và 128 cá nhân xuất sắc tiêu biểu cho các sáng kiến tham gia chương trình, Thủ tướng cũng lưu ý, thực tế hiện nay cần có thêm nhiều những sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo dựa nhiều trên cơ sở, nền tảng vững chắc của hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ một cách bài bản, hiệu quả, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động công đoàn, nhất là hoạt động phát huy sáng kiến trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền và công đoàn các cấp tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn nữa các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến.
Qua việc phát hiện, bồi dưỡng để kịp thời động viên, tôn vinh những tấm gương tốt trong phát huy sáng kiến ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nên sức mạnh của đất nước, sức mạnh của dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương, đầu tư nhiều hơn, có chiều sâu hơn nữa cho khoa học, công nghệ và giáo dục - đào tạo xứng tầm quốc sách hàng đầu.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ lưu ý triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tạo nền tảng vững chắc hơn, căn cơ hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy cao nhất tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam trong thời đại mới, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, với việc sử dụng nền tảng công nghệ số triển khai chương trình, sau 80 ngày thi đua cao điểm, 250.177 sáng kiến được gửi tới Ban tổ chức, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra.
"Nội dung của những sáng kiến tham gia chương trình rất đa dạng, ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với sự tham gia của nhiều lực lượng lao động, từ các kỹ sư lành nghề, lãnh đạo doanh nghiệp, các công chức, viên chức, thầy giáo, cô giáo, cán bộ khoa học, đến những người công nhân sản xuất trực tiếp, ngày đêm gắn bó với máy móc, nhà xưởng", ông Nguyễn Đình Khang khái quát.
Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng. Các sáng kiến tham gia chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời điểm cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: "Đây thực sự là minh chứng sinh động về sự say mê lao động, sáng tạo, tinh thần vượt khó, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động cả nước, khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay".