1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hướng tới người dân, sáng tạo cách làm trong chi trả chính sách

Phúc Thanh

(Dân trí) - Từ 27-29/10, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam làm trưởng đoàn, đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai ngay chính sách với sự tham giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, MTTQ.

"Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi, quyết định phê duyệt đến đâu, thực hiện chi hỗ trợ ngay đến đó. Đến nay, đã hoàn thành 99% chi hỗ trợ cho các đối tượng so với số được phê duyệt", ông Hoàng Việt Phương nói.

Hướng tới người dân, sáng tạo cách làm trong chi trả chính sách - 1

Đoàn công tác làm việc tại Tuyên Quang.

Ghi nhận nỗ lực của Tuyên Quang đã thực hiện được 9/12 chính sách, Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị tỉnh cần tích cực hơn giám sát việc thực hiện chính sách đến từng đối tượng, thông qua cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của ban công tác mặt trận khu dân cư.

"Thời gian tới Tuyên Quang cần tăng cường rà soát, để không bỏ sót đối tượng F0, F1, lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh, lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi... để hỗ trợ kịp thời", ông Nam đề nghị.

Thời gian qua, công tác triển khai và tổ chức thực hiện các Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo triển khai kịp thời, đúng đối tượng; qua đó đã giúp cho các doanh nghiệp và người lao động bớt khó khăn.

"Các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện các nghị quyết an sinh, chủ động tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc và quyết tâm hoàn thành một số chính sách trước cuối năm 2021", Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết.

Để đạt sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Thị Thu Hương cho biết, Sở đã tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin tuyên truyền Báo Phú Thọ, Đài PTTH để mọi người dân, người lao động và doanh nghiệp đều nắm được chính sách.

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Phú Thọ trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Trưởng đoàn công tác Đặng Hoa Nam đánh giá cao tính kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai hiệu quả các hình thức hỗ trợ.

"Công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đóng vai trò quan trọng để mọi người dân đều biết, cùng giám sát. Sở LĐTBXH cần thiết lập 1 số điện thoại để tiếp nhận ý kiến, thắc mắc của người dân", ông Đặng Hoa Nam nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông Đặng Hoa Nam đề nghị Phú Thọ tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nhất là việc hỗ trợ đối tượng yếu thế: trẻ em; phụ nữ mang thai; lao động nữ nuôi con dưới sáu tuổi; các đối tượng là F0, F1… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách; tham khảo kinh nghiệm của các địa phương trong công tác phòng chống dịch thực hiện tốt "mục tiêu kép" thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hướng tới người dân, sáng tạo cách làm trong chi trả chính sách - 2

Đoàn công tác làm việc tại Vĩnh Phúc.

Làm việc với đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức đa dạng trên Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH, Sở Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh phổ biến về trình tự, thủ tục, hướng dẫn các bước xác lập, nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 và hướng dẫn của Sở LĐTBXH.

"Việc kịp thời đưa các tin, bài về công tác chi trả hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp và lao động tự do, không chỉ phổ biến, tuyên truyền để người lao động biết chính sách, mà qua đó còn tăng cường giám sát xã hội, chống trục lợi chính sách", ông Văn khẳng định.

Ghi nhận cách làm của Vĩnh Phúc đã có bước đi trước đón đầu bảo đảm an sinh cho đối tượng yếu thế như: chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo cũng như một số đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị dài ngày, hỗ trợ F0, F1bằng ngân sách địa phương. Cục trưởng Đặng Hoa Nam đề nghị Vĩnh Phúc đẩy mạnh phân cấp cho các huyện thị triển khai thực hiện, thúc đẩy nhanh chi trả cho người dân, không để sót đối tượng nào, người dân nào gặp khó khăn do dịch COVID-19 mà không được chăm lo, hỗ trợ.

"Tỉnh cần chú trọng lao động tự do, phụ nữ mang thai, trẻ em và đối tượng yếu thế, sớm triển khai chính sách đào tạo, đào tạo lại cho người lao động trong thời gian tới", ông Đặng Hoa Nam bày tỏ.

Đến ngày 25/10/2021, tổng số lượt đối tượng được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 31.833 đối tượng (người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh), tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 30.761 người, số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện 10/12 chính sách của Nghị quyết 68, với gần 3.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và trên 222 nghìn lượt người được thụ hưởng, tổng số tiền trên 285 tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.633 đơn vị, với 174.317 lao động, số kinh phí giảm mức đóng tạm tính (1/7/2021-30/6/2022) gần 61 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ giảm mức đóng lũy kế đến tháng 10/2021 đạt 20,6 tỷ đồng.