Thủ tướng đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động vùng đồng bằng sông Hồng
(Dân trí) - Sáng ngày 20/5, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2018, chào mừng Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/5/2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) phối hợp với các Liên đoàn lao động các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Hồng tổ chức chương trình với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
Tới dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội; ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và 11 địa phương; lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN.
Sáng cùng ngày, Tổng LĐLĐ VN đã trao Bằng khen cho các sản phẩm xuất sắc tham dự Triển lãm "Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng 2018".
Trước lúc diễn ra buổi đối thoại với công nhân lao động, Thủ tướng đã dành thời gian thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm trong triển lãm, nghe giới thiệu về sản phẩm, trò chuyện và khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của chủ nhân các sản phẩm tiêu biểu.
Tại chương trình, ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - đã báo cáo với Thủ tướng kết quả 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi, chỉ đạo của Thủ tướng tại 2 lần gặp gỡ công nhân khu vực miền Nam và miền Trung.
Đánh giá cao những kết quả thực hiện của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng khen ngợi và cảm ơn Tổng LĐLĐ VN đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các địa phương trong khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chuẩn bị và tổ chức chu đáo chương trình, tạo cơ hội cho Thủ tướng được gặp mặt, trò chuyện và trực tiếp lắng nghe ý kiến của công nhân lao động và cán bộ công đoàn.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, Thủ tướng mong các công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải; đồng thời các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành và địa phương lắng nghe, nêu giải pháp giải quyết các vấn đề mà công nhân, người lao động nêu ra.
Tại chương trình, nhiều công nhân lao động đã đặt ra nhiều vấn đề thẳng thắn, nêu những khó khăn đang gặp phải, trong đó chủ yếu về tiền lương, sức khỏe, nhà ở và an ninh trong các KCN mà các công nhân đang làm việc…
Công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền (Công ty TNHH NMS Việt Nam, tỉnh Hà Nam), đặt câu hỏi: "Người lao động ngoại tỉnh đang phải thuê nhà trọ và phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh. Tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ các nhà trọ kinh doanh phòng trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê chúng cháu… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này".
Trước câu hỏi này của công nhân, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN cho biết: Cung cấp điện cho các KCN là một trọng tâm của tập đoàn của các địa phương. Việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công thương. Tại các khu nhà trọ được sử dụng giá điện sinh hoạt như giá định điện bậc thang… Việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật, EVN phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Người lao động có thể sử dụng điện theo giá nhà nước và chủ nhà trọ có thể ký hợp đồng mua bán điện với Sở điện lực theo giá sinh hoạt. Công nhân có thể ký với Công ty điện lực với điều kiện 1 hộ thuê 4 người trở lên, có giấy tạm trú... Chúng tôi coi vấn đề cung cấp điện cho các KCN là tiền đề phát triển các khu công nghiệp…" - ông Dương Quang Thành nói.
Còn công nhân Đoàn Văn Vương (công ty TNHH Youngone, tại Nam Định), đặt câu hỏi trực tiếp với Thủ tướng: "Thưa Thủ tướng, qua báo đài cháu được biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động rất lớn đến việc làm của người lao động, các ngành như dệt may, da giầy sẽ bị thu hẹp phần lớn việc làm. Chính phủ đã và sẽ có giải pháp gì để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác, thưa bác?".
Sau khi nghe câu hỏi của công nhân Đoàn Văn Vương, Thủ tướng trả lời: “Nhận thức, thái độ của một bộ phận anh chị em công nhân về cuộc cách mạng 4.0 là rất chủ động, sẵn sàng đón nhận và đối diện, quan tâm đến những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.
Quan điểm tiếp cận của Chính phủ đó là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Vấn đề là chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn".
Thủ tướng cũng chia sẻ sự quan tâm tới cuộc cách mạng 4.0: "Trên mọi lĩnh vực điều hành của Chính phủ, chúng tôi luôn lưu ý nội dung này. Thậm chí vừa rồi, trong các yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, Trung ương cũng bàn và đặt ra yêu cầu là đội ngũ cán bộ đó phải thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, tôi đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng”.
Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp thêm vấn đề này cho công nhân.
Ngoài ra, còn nhiều thắc mắc của người lao động đã được Thủ tướng và đại diện nhiều ban, bộ ngành trả lời thoả đáng.
Kết thúc buổi giao lưu, gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch TLĐLĐVN Bùi Văn Cường trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ và Tổng LĐLĐ VN quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Đức Văn