Bài 6 - Lao động VN bị đánh ở Algeria:
Thủ tướng chỉ đạo bảo vệ lao động bị hành hung ở Algeria
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan liên tăng cường biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo hộ công dân VN đang làm việc tại Algeria.
Cụ thể, các cơ quan chức năng trên phải làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng của Algeria để nắm tình hình và tìm biện pháp bảo vệ quyền lợi cho lao động.
Đối với chủ sử dụng lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Công ty Simco Sông Đà tiếp tục theo dõi vụ việc, trao đổi với đối tác Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết.
Những trường hợp nào có nguyện vọng về nước cần khẩn trương giải quyết.
Các doanh nghiệp phái cử lao động VN làm việc tại Algeria phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra điều kiện làm việc, thường xuyên cập nhật cho Cơ quan đại diện VN ở nước sở tại danh sách lao động VN ở địa bàn để phối hợp quản lý, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân khi có vụ việc xảy ra.
Trước đó, 55 lao động VN được Công ty cổ phần Simco Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6-7/2015.
Chỉ sau 1 thời gian làm việc, xô xát diễn ra giữa nhóm công nhân với phía chủ sử dụng lao động - Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô hôm 16/9. Hậu quả khiến 2 lao động VN bị thương, đó là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.
Qua liên lạc điện thoại, nhiều người lao động trong nhóm 55 lao động trên đã bày tỏ nguyện vọng được về nước. Đồng thời, gần 50 thân nhân của lao động đã đến Công ty Simco Sông Đà, Cục Quản lý lao động ngoài nước để yêu cầu được bảo vệ tính mạng và tinh thần cho người thân.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 16/10 tại Hà Nội, ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước - đã trao đổi với báo giới liên quan tới vụ việc trên.
Ông Tống Hải Nam cho biết: “Với những lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc và chủ sử dụng cũ không đảm bảo an toàn, chế độ đãi ngộ, Cục sẽ để nghị công ty phái cử đàm phán để chuyển người lao động sang chủ sử dụng khác có chế độ làm việc tốt hơn”.
Với những lao động đòi về, ông Tống Hải Nam cho biết, trong bất cứ trường hợp nào đều phải đảm bảo tính mạng cho người lao động.
Khi đó, nếu chủ doanh nghiệp đòi bồi thường mà người lao động không có khả năng chi trả, công ty phái cử phải có trách nhiệm chi trả thay cho người lao động (tiền bồi thường, vé máy bay...).
“Sau khi về nước, các bên sẽ căn cứ vào sai phạm cụ thể để chia sẻ mức độ rủi ro” - ông Tống Hải Nam nói.
Hoàng Mạnh