1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động Việt Nam bị hành hung ở Algeria - bài 3: Khẩn thiết mong được về nước!

(Dân trí) - “Từ hôm bị hành hung tới nay đã 20 ngày, chồng tôi từ Algeria mới gọi về 1 lần. Anh giấu gia đình. Gặng hỏi, anh chỉ nói cơ thể đau, tay sưng và không nâng lên được do bị nhiều người đánh. Anh không kể nhiều qua điện thoại, chỉ bảo: “Đau lắm, không nói được”.

Chị Hoàng Thị Vui - vợ anh Đậu Hoàng Anh, cán bộ đại diện công ty SIMCO Sông Đà tại Algeria - nghẹn ngào nói với PV Báo Dân trí chiều 8/10.


Anh Đào Ngọc Cường (bên trái) và anh Đậu Hoàng Anh trong Chi nhánh của chủ sử dụng lao động tại Algeria - ảnh chụp chiều 8/10, do người lao động cung cấp.

Anh Đào Ngọc Cường (bên trái) và anh Đậu Hoàng Anh trong Chi nhánh của chủ sử dụng lao động tại Algeria - ảnh chụp chiều 8/10, do người lao động cung cấp.

“Từng giờ mong người thân về nước”

Câu chuyện bắt đầu từ việc 55 lao động VN được Công ty cổ phần Simco Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6-7/2015.

Chỉ sau 1 thời gian làm việc, xô xát diễn ra giữa nhóm công nhân với phía chủ sử dụng lao động - Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô hôm 16/9. Hậu quả khiến 2 lao động VN bị thương, đó là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.

Chị Hoàng Thị Vui chỉ biết tin chồng bị hành hung vào tối 6/10. “Chồng tôi bị hành hung tại Algeira từ hôm 16/9. Nhưng đến tối ngày 6/10, tôi mới được bạn bè thông tin lại nhờ đọc báo mạng và xem trên Facebook”.

Khi nghe tin chồng bị hành hung. Chị Hoàng Thị Vui nói: “Cả nhà đều đau đớn, nghẹn ngào khóc”. Người phụ nữ 48 tuổi này mòn mỏi mong chồng được về nước sớm càng sớm càng tốt.

Nếu chồng chưa về được ngay, chị khẩn thiết: “Đã 20 ngày rồi mà cánh tay của chồng tôi còn đau. Nguy cơ hỏng cánh tay rất có thể xảy ra. Tôi mong các cơ quan chức năng đưa chồng tôi tới chiếu chụp và thăm khám tại bệnh viện ở Algeria…”

Cùng tâm trạng như chị Hoàng Thị Vui, chị CaoThị Duyên - vợ của công nhân Đào Ngọc Cường hoang mang không kém.

“Tôi chỉ có một nguyện vọng là chồng được mau chóng về nước. Tôi như ngồi trên đống lửa. Giờ thì tiền lương có nhiều bao nhiêu cũng không thể đổi lại được…” - người phụ nữ quê Lý Nhân (Hà Nam) này than thở.

Chị Cao Thị Duyên kể: “Nghe tin chồng bị đánh, tôi bủn rủn tay chân”. Chị gọi điện thoại kêu cứu lên công ty hàng chục lần. Chưa được việc, chị gọi tiếp lên Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và nhờ sự can thiệp của báo chí.

Để có số tiền 47 triệu đồng lo cho chồng đi xuất khẩu lao động đợt tháng 7 vừa qua, chị Cao Thị Duyên phải đi vay ngân hàng theo diện hộ nghèo. Từ lúc chồng đi Algeria tới nay, chị mới nhận được hơn 2 triệu đồng do chồng gửi về. “Lương tháng 9 vẫn chưa nhận được” - chị Duyên nói.

“Tối hôm 7/10, tôi nghe tin chồng được chuyển lên trụ sở công ty. Cán bộ Đại sứ quán VN tại Algeria gọi điện thoại báo về tình hình chồng tôi. Họ động viên và nói sẽ cố đưa chồng về trong vài ngày hôm nữa. Gia đình tôi đang mong chờ từng giờ!” - chị Cao Thị Duyên hy vọng.

Hai lao động Việt Nam bị hành hung đang ở đâu?

Sau nhiều nỗ lực, tối ngày 8/10, PV Dân trí đã liên hệ được với 2 lao động VN bị hành hung hôm 16/9 tại Algeria, là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường. Hai anh đang trú tại Chi nhánh Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô tại Algeria.


Tay của anh Đậu Hoàng Anh đang băng bó - ảnh chụp chiều 8/10, do nhân vật cung cấp.

Tay của anh Đậu Hoàng Anh đang băng bó - ảnh chụp chiều 8/10, do nhân vật cung cấp.

Ngay sau khi xô xát xảy ra, anh Đậu Hoàng Anh được chuyển về đây để giữ an toàn và chăm sóc sức khỏe. Anh Đào Ngọc Cường cũng mới được cán bộ Đại sứ quán VN đưa về nơi này.

Qua trao đổi với PV Dân trí, hai lao động trên cho biết: Họ phần nào hồi phục sức khỏe. Vết bầm trên mắt phải của anh Đậu Hoàng Anh đã xẹp đi. Tinh thần của anh Đào Ngọc Cường cũng phần nào trở lại ổn định.

Tuy nhiên, việc sống trong tâm trạng chờ đợi ngay tại trụ sở của chủ sử dụng lao động, ít nhiều làm các anh không tránh khỏi sự căng thẳng. Trong khi đó, anh Đậu Hoàng Anh vẫn đau người, vết thương ở cánh tay còn sưng to.

Theo lời kể của 2 lao động, cán bộ Đại sứ quán VN tại Algeria cho biết đang nỗ lực để đưa các anh về nước trong thời gian sớm nhất.

Dù đường truyền liên lạc liên tục bị cắt quãng, nhưng khi được hỏi về nguyện vọng ở lại làm việc tiếp hay về nước, hai lao động đều thể hiện rõ ràng mong muốn được trở về đoàn tụ với gia đình. “Giờ mà về nước thì khác gì được sống lại…” - anh Đào Ngọc Cường nói.

Hộ chiếu và giấy tờ liên quan - chủ sử dụng giữ

Trong một diễn biến khác, đêm ngày 8/10, PV Dân trí đã liên lạc được với ông Đỗ Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ số 3 (SIMCO Sông Đà) - sau chuyến bay từ VN vừa hạ cánh xuống Algeria.

Ông Đỗ Văn Hải (ngoài vùng bên phải) chụp ảnh với lao động VN tại Algeria - ảnh chụp ngày 8/10.
Ông Đỗ Văn Hải (ngoài vùng bên phải) chụp ảnh với lao động VN tại Algeria - ảnh chụp ngày 8/10.

Tới thời điểm này, ông Đỗ Văn Hải là đại diện cao nhất của SIMCO Sông Đà tại Algeria. Quyết định điều ông Đỗ Văn Hải sang Algeria của Công ty cũng thể hiện tinh thần tiếp thu chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

Sau khi nắm tình hình công nhân tại Algeria, ông Đỗ Văn Hải cung cấp tới PV Dân trí thông tin mới nhất: Hiện 55 công nhân trên được chia làm 3 nhóm: Nhóm 17 công nhân đang ở tại Medea và vẫn chưa đi làm; một nhóm 36 công nhân ở Khenchela, đã đi làm cho chủ sử dụng. Ngoài ra, 2 lao động VN bị hành hung đang trú tại Chi nhánh của chủ sử dụng lao động tại Algeria.

Theo đó, khi xảy ra sự cố lớn, doanh nghiệp phái cử lao động cần có lãnh đạo trực tiếp sang để xử lý vấn đề. Tránh việc cử nhân viên xử lý và liên tục phải gọi điện thoại về nước xin ý kiến, tốn thời gian chờ đợi.

“Thông tin bước đầu về người lao động là như vậy. Từ sáng 9/10, tôi sẽ tới cả 3 điểm trên để kiểm tra trực tiếp và nghe nguyện vọng của từng lao động”.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về trường hợp hai lao động VN bị hành hung, có thể về nước sớm trong vài này tới? ông Đào Văn Hải cho rằng việc này phụ thuộc một phần vào chủ sử dụng lao động.


Ông Đỗ Văn Hải (giữa) chụp ảnh cũng 2 lao động Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường tại Algeria hôm 8/10.

Ông Đỗ Văn Hải (giữa) chụp ảnh cũng 2 lao động Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường tại Algeria hôm 8/10.

“Cty Simco Sông Đà có thể làm ngay việc mua vé máy bay và các thống nhất thủ tục liên quan. Tuy nhiên, chủ sử dụng đang giữ hộ chiếu và các giấy tờ liên quan tới việc đăng ký làm việc của người lao động tại Algeria. Những giấy tờ này là căn cứ để người lao động có thể xuất cảnh Algeria”.

Công ty phải đàm phán với chủ sử dụng lao động để có sự nhượng bộ chứ không thể không thể đơn phương giải quyết.

Tuy nhiên, ông Đào Văn Hải cho biết, chủ sử dụng thể hiện sự thiện chí và hợp tác. “Họ thông báo sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể”.

Hoàng Mạnh