1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bài 4:

Lao động VN bị đánh ở Algeria: Thân nhân và lao động kêu cứu xin về nước

(Dân trí) - Sáng 15/10 tại Hà Nội, gần 50 thân nhân của lao động VN làm việc tại Algeria đồng loạt gửi đơn và tới gặp Công ty Simco Sông Đà, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu khẩn cấp đưa người nhà về nước vì bị bỏ đói, đe dọa sức khỏe và tinh thần.

Thân nhân lao động làm việc với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ảnh chụp sáng 15/10.
Thân nhân lao động làm việc với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ảnh chụp sáng 15/10.

Trước đó, từ tháng 6-7/2015, 55 lao động VN được Công ty cổ phần Simco Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria).

Chỉ sau 1 thời gian làm việc, xô xát diễn ra giữa nhóm công nhân với phía chủ sử dụng lao động - Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô hôm 16/9. Hậu quả khiến 2 lao động VN bị thương, đó là anh Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường.

Từ đó tới nay, người lao động làm việc thấp thỏm, không yên tâm làm việc vì sợ bị hành hung. Trong khi đó, nhiều ngày lao động bị chủ không bố trí bữa ăn. Chủ sử dụng đã tách 55 lao động thành 2 nhóm (15 người và 38 người) ở các nơi khác nhau. Hai lao động bị hành hung được bố trí tại trụ sở của chủ sử dụng lao động.

Sáng 15/10, trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Hà (quê Ba Vì, Hà Nội), có chồng là Nguyễn Hữu Tới thuộc nhóm lao động trên, lo lắng: “Chồng tôi gọi về bảo tinh thần rất lo lắng vì sợ bị hành hung. Chủ sử dụng lao động dọa đánh nếu không đi làm. Bữa ăn thì lúc có lúc không…”

Chị Nguyễn Thị Hà đề nghị Công ty và Cục quản lý lao động ngoài nước khẩn cấp đưa chồng về nước. “Tôi nhắn chồng cứ tạm thời đi làm để bảo toàn tính mạng. Còn bên này chúng tôi sẽ nhờ người kêu cứu để đưa các anh về. Các anh ở đó rất nguy hiểm về tính mạng” - chị Hà cho biết thêm.

Thân nhân lao động đồng loạt yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa người thân, Cty Simco Sông Đà đưa lao động về nước.
Thân nhân lao động đồng loạt yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa người thân, Cty Simco Sông Đà đưa lao động về nước.

Thay mặt nhóm 15 lao động từ Algeria, anh Cao Văn Nhân nghẹn ngào nói qua điện thoại về nước: “Chúng tôi muốn về nước càng sớm càng tốt. Từ ngày 14/10 tới nay, chủ sử dụng không lo bữa ăn cho chúng tôi nữa. 15 anh em chúng tôi dùng số tiền 200 USD do dại điện Cty Simco Sông Đà đưa cho hôm trước để mua gạo ăn dè xẻn”.

“Tâm trạng người lao động rất bất an, muốn trở về nước. Nhóm chúng tôi có 15 người mấy hôm nay bị chủ cắt cơm. Anh dùng 200 USD do đại diện Cty đưa cho trước đó mua đồ lặt lặt vặt tạm qua ngày” - Anh Cao Văn Nhân nói.

Ở nhóm 38 lao động còn lại, anh Nguyễn Đình Hoàng (33 tuổi) gọi về: ”Nguyện vọng của anh em đều muốn về nước. Đợt trước, đại diện Công ty đưa cho nhóm 38 người số tiền 500 USD để phòng chi tiêu khi chủ sử dụng không lo bữa ăn.  Từ ngày 10/10 tới nay, chủ sử dụng cắt cơm. Anh em tằn tiện dùng đó để mua gạo và thức ăn lặt vặt sống qua ngày…”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Ba (Đô Lương, Nghệ An), bố của lao động Trần Văn Trung, cho biết: “Con tôi đi từ 19/7, mới gửi về 2,3 triệu đồng. Hiện, chủ sử dụng ép phải ốp được 30 m2 gạch lát/ngày mới chấp nhận. Anh em phản đối thì bị đánh và bỏ đói. Con tôi và gia đình mong muốn về nước. Nhà tôi đã thế chấp sổ đỏ được 50 triệu đồng. Tình hình này thì tính mạng con người còn quan trọng hơn tiền bạc”.

Thân nhân của lao động đang ngóng chờ cơ quan chức năng giúp đỡ đưa người nhà về nước.
Thân nhân của lao động đang ngóng chờ cơ quan chức năng giúp đỡ đưa người nhà về nước.

Theo anh Nguyễn Danh Trung (Mê Linh, Hà Nội) người thân của Lê Văn Hường, hợp đồng của công ty với người lao động không có những nội dung công việc phát sinh ở Algeria. “Họ đã vi phạm hợp đồng với người lao động” – anh Nguyễn Danh Trung nói.

“Người thân gọi về bảo, chủ sử dụng nói ai muốn về phải đóng 4.000 USD/người tiền bồi thường phá hợp đồng mới cho về nước. Khả năng chi trả của người thân không thể trả được. Chúng tôi là người tỉnh xa nghèo, đã phải vay tiền để đi XKLĐ. Nay lại phải lo món tiền lớn thế thì không biết lấy ở đâu ra” – anh Nguyễn  Danh Trung lo lắng.


Lao động ăn uống cầm chừng vì nguồn cung cấp lương thực đang cạn kiệt. Ảnh do thân nhân lao động cung cấp

Lao động ăn uống cầm chừng vì nguồn cung cấp lương thực đang cạn kiệt. Ảnh do thân nhân lao động cung cấp

Trong sáng 15/10, gần 50 thân nhân gia đình của lao động trên đã tới trụ sở của Công ty Simco Sông Đà để yêu cầu có giải pháp nhanh chóng đưa người thân về nước.

Cùng ngày, các thânnhân lao động đã tới gặp lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để nhờ can thiệp.

Ông Lê Thanh Hà - Trưởng Phòng Hàn Quốc - Tây Á - Châu Phi (Cục Quản lý lao động ngoài nước) sau khi lắng nghe nguyện vọng của thân nhân lao động, cho biết:  “Chúng tôi rất chia sẻ với những lo lắng của thân nhân lao động đang làm việc ở Algeria. Cục thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán VN ở Algeria và đại diện công ty Simco Sông Đà để có những chỉ đạo sát sao và có lợi nhất cho người lao động”.

Khẳng định quan điểm của Cục, ông Lê Thanh Hà nói: “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu đại diện Công ty Simco Sông Đà hỗ trợ tiếp tiền ăn để lao động VN không bị đói.

Cục tiếp tục yêu cầu đại diện Công ty trao đổi với chủ sử dụng lao động để giúp người lao động có thể chuyển công trường làm việc mới. Trường hợp lao động muốn về nước, công ty sẽ có trách nhiệm lo cho họ về nước. Còn các vấn đề liên quan sẽ xử lý sau”.

Hoàng Mạnh