1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bài 5 - lao động đi XKLĐ bị hành hung:

“Công ty phải ứng tiền để lao động bị đánh ở Algeria về nước…”

(Dân trí) - Chiều 16/10 tại Hà Nội, ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với báo giới về thông tin liên quan tới vụ hành hung lao động VN trong tháng 9 tại Algeria và hướng xử lý vấn đề này.


Ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Tống Hải Nam - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Tống Hải Nam cho biết sự việc, từ tháng 6-7 vừa qua, 55 lao động VN được công ty Simco Sông Đà phái cử sang làm việc tại Algeria. Ban đầu, chủ sử dụng thực hiện tính tiền lương theo khoán công nhật.

Tuy nhiên, năng suất lao động của người lao động không cao nên chủ sử dụng chuyển từ hình thức trả lương công nhật sang khoán sản phẩm.

Một số lao động VN đã thực hiện tốt được sự chuyển đổi. Nhưng có một số lao động quay ra phản ứng với lý do thay đổi so với hợp đồng ban đầu.

Từ đây phát sinh mâu thuẫn giữa 2 bên. Sự việc bất đồng xảy ra giữa tháng 9 nhưng đại diện của Công ty Simco Sông Đà đã không thể hiện được vai trò trung tâm và hòa giải.

Về việc xô xát giữa chủ sử dụng và người lao động. Việc hành hung phát sinh do người lao động VN không đi làm. Hậu quả khiến 2 người VN bị thương, gồm 1 lao động và 1 đại diện công ty.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông qua Đại sứ quán VN tại Algeria, đại diện của Cty để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Sự việc chỉ xảy ra duy nhất 1 lần vào ngày 16/9.


Lao động ăn uống cầm chừng vì nguồn cung cấp lương thực đang cạn kiệt. Ảnh do thân nhân lao động cung cấp hôm 15/10.

Lao động ăn uống cầm chừng vì nguồn cung cấp lương thực đang cạn kiệt. Ảnh do thân nhân lao động cung cấp hôm 15/10.

Ông Tống Hải Nam cho biết thêm, qua tìm hiểu có lao động muốn về nước và có lao động vẫn muốn ở lại làm việc. “Với những lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc và chủ sử dụng cũ không đảm bảo an toàn, chế độ đãi ngộ, Cục sẽ để nghị công ty phái cử đàm phán để chuyển người lao động sang chủ sử dụng khác có chế độ làm việc tốt hơn”.

Với những lao động đòi về, ông Tống Hải Nam cho biết, trong bất cứ trường hợp nào đều phải đảm bảo tính mạng cho người lao động.

"Trường hợp cực chẳng đã phải về nước, nếu chủ doanh nghiệp đòi bồi thường mà người lao động không có khả năng chi trả, công ty phái cử phải có trách nhiệm chi trả thay cho người lao động (tiền bồi thường, vé máy bay...). Sau khi về nước, các bên sẽ căn cứ vào sai phạm cụ thể để chia sẻ mức độ rủi ro”.

Về dư luận cho rằng, nếu người lao động VN về nước phải đền bù từ 3.000-4.000 USD/người vì phá hợp đồng. Ông Tống Hải Nam cho rằng đây mới chỉ là một giả thiết và cần phải xác minh thêm. Tuy nhiên, ông Tống Hải Nam cũng giải thích: Thông thường, chủ sử dụng lao động phải bỏ nhiều chi phí ban đầu. Khi lao động có thể lao động phá hợp đồng, chủ sử dụng tất yếu sẽ có yêu cầu đền bù.

Trong trường hợp phải đền bù mức 3.000-4.000 USD/người cho chủ sử dụng lao động. Ông Tống Hải Nam ước tính số tiền chỉ trả cho 55 lao động vào khoảng 200.000 USD. “Người lao động phải chịu rủi ro và công ty phái cử lao động cũng phải chịu trách nhiệm”.

Trước đó, sáng 15/10 tại Hà Nội, gần 50 thân nhân của lao động đang làm việc tại Algeria đã tới trụ sở Công ty Simco Sông Đà và Cục Quản lý lao động ngoài nước để yêu cầu có những giải pháp đưa lao động sớm về nước. Tại đây, thân nhân lao động cũng đã gọi điện thoại trực tiếp sang Algeria để lao động trao đổi và bày tỏ nguyện vọng với đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Hoàng Mạnh