Thứ trưởng Lê Văn Thanh: "Lao động mất việc tháng nào nhận hỗ trợ tháng đó"
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc chi trả gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ tới người dân bị ảnh hưởng vì Covid-19.
Ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã làm việc với xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) và xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) về việc chi trả cho các đối tượng nhận hỗ trợ trong gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Tại các địa phương này, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã nghe các trưởng thôn, lãnh đạo xã trình bày những thuận lợi và khó khăn trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.
Buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao nỗ lực của các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ đến người dân.
Thứ trưởng đề nghị các cấp của tỉnh phải bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ để triển khai việc rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ đủ những điều kiện, bảo đảm công tác chi trả hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến những người bị ảnh hưởng.
Đối với nhóm đối tượng là lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc và lao động không có hợp đồng lao động, chính quyền thôn, xã lập danh sách và công khai để người dân biết.
“Tinh thần là mất việc tháng nào thì hỗ trợ tháng đó, người lao động mất việc tháng 4 thì hỗ trợ tháng 4, mất việc tháng 5 thì hỗ trợ đến tháng 5. Lao động có việc rồi thì ngưng hỗ trợ. Việc hỗ trợ tối đa chỉ kéo dài 3 tháng”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nói.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, địa phương phải làm sao để chi trả cho đúng đối tượng theo tiêu chí trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Địa phương nào làm danh sách xong trường hợp nào thì chi luôn đối tượng đó. Cách làm cần công khai minh bạch, tránh trục lợi. Nếu cán bộ vi phạm thì xử lý nghiêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - cho hay, tỉnh Quảng Nam đã chi hơn 287 tỷ đồng để chi trả cho 2 nhóm đối tượng người có công cách mạng và bảo trợ xã hội. Các nhóm còn lại hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát.
Tuy nhiên, ông Triều cho hay, các nhóm này sẽ mất nhiều thời gian để rà soát và sẽ có những khó khăn khi tiến hành rà soát.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam - cho hay, một trong những đối tượng rất khó xác định để hỗ trợ là giáo viên mầm non tư thục, cấp dưỡng, người lao động trong các bệnh viên công và tư.
Tỉnh này cũng gặp khó khăn trong việc xác định các đối tượng là người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), như những người làm nghề bơi ghe đưa du khách tham quan ở Hội An, giữ xe ở bãi biển…
"Do nhóm đối tượng này là lao động chiếm số đông, sinh sống rải rác ở các địa phương nên phải rà soát thật kỹ để chi trả tiền hỗ trợ đúng người, không để xảy ra sai sót...", bà Ánh cho hay.
Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cũng đề xuất hỗ trợ lao động trong ngành du lịch gồm nhóm đối tượng là hộ gia đình làm du lịch, người lao động không có hợp đồng lao động trong ngành du lịch để đưa vào danh sách để tiến hành hỗ trợ.
Dự kiến chi hơn 700 tỷ đồng
Ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, qua rà soát, tỉnh dự kiến có 366.000 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/2020/QĐ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Chính phủ, số tiền chi ra khoảng 700 tỷ đồng.
Để lập danh sách, tỉnh đã triển khai đoàn liên ngành gồm 4 lực lượng đến 18 huyện, thị, thành phố của tỉnh tiến hành rà soát các đối tượng. Tuy nhiên ông Trần Đình Tùng cũng cho biết, tỉnh có số lượng lớn nhóm đối tượng thụ hưởng ngoài Nghị quyết 42/2020/QĐ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Chính phủ. Tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm xem xét và báo cáo Chính phủ.
Công Bính