1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Từ 5/11: Áp dụng liên thông các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - Việc liên thông áp dụng giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, gồm: Đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp và đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng.


Mở rộng cơ hội học liên thông khi bạn trẻ tham gia giáo dục nghề nghiệp

Mở rộng cơ hội học liên thông khi bạn trẻ tham gia giáo dục nghề nghiệp

Đây là nội dung của Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp, do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành.

Theo đó, người học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là chính quy; người học liên thông theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là vừa làm vừa học.

Về đối tượng, Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ trung cấp: Người có chứng chỉ sơ cấp, sơ cấp nghề cùng ngành, nghề và có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; người có bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai.

Tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng: Người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Từ 5/11: Áp dụng liên thông các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp - 2

Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai cũng có thể tham gia hệ đào tạo này.

Về thời gian đào tạo liên thông, Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc xác định trên cơ sở khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định cho từng chương trình theo từng trình độ và phương thức, hình thức đào tạo.

Theo đó, thời gian đào tạo liên thông theo niên chế giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng từ 1 (một) đến 2 (hai) năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo.

Thời gian đào tạo liên thông theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là thời gian để người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo.

Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường quy định thời gian đào tạo liên thông đối với từng ngành, nghề và từng đối tượng người học cụ thể.

Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng (sau đây gọi là trường).

Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 5/11/2017.

Bằng tốt nghiệp và bảng điểm

Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định: Người học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là chính quy; người học liên thông theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là vừa làm vừa học.

Bảng điểm của người học phải ghi đầy đủ, rõ ràng kết quả học tập cùng số tín chỉ của các môn học, mô-đun trong thời gian đào tạo liên thông và của các môn học, mô-đun khác đã được công nhận.

Hoàng Mạnh