1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: "Cần quan tâm bảo vệ quyền sống còn của trẻ em"

(Dân trí) - "Tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm nhiều so với trước đây", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chia sẻ tại Hội thảo triển khai các can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em.

Sáng 25/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức buổi Hội thảo “Đánh giá giữa kỳ các can thiệp hiệu quả, bền vững về phòng, chống đuối nước trẻ em và đẩy mạnh triển khai các giải pháp can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em”.

Hội thảo nằm trong chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giữa Bộ LĐ-TB&XH với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, với các nỗ lực của Việt Nam, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước. Mặc dù vậy, tỷ lệ trên vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm bảo vệ quyền sống còn của trẻ em - 1

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao, do đó ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.

“Ngay trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên toàn cầu thì tại Việt Nam vẫn xảy ra các vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước", Thứ trưởng Hà cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, tai nạn thương tích trong đó có đuối nước trong cả các trường hợp thảm họa, thiên tai và trong đời sống hàng ngày không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn để lại những nỗi đau không nguôi trong nhiều gia đình và là những vấn đề cho xã hội sau này.

Trước đó, ngày 21/6/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai dự án "Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ.

Chương trình góp phần hỗ trợ triển khai đồng bộ hơn công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Các tổ chức đã hỗ trợ 8 tỉnh của Việt Nam tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức y tế thế giới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH: Cần quan tâm bảo vệ quyền sống còn của trẻ em - 2

Một số kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Chương trình

Chương trình đã tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em tại các vùng dự án và thí điểm trên toàn quốc.

Qua đó, chương trình cũng đã xây dựng mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam nhằm tăng cường được sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của các bên phòng, chống đuối nước trẻ em, tạo sự kết hợp, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, bà đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo lần này bởi đây là cơ hội để tổng kết kinh nghiệm cho việc triển khai dự án giai đoạn tiếp theo hiệu quả hơn, nhân rộng các can thiệp hiệu quả đến các địa phương trên toàn quốc.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang triển khai xây dựng chiến lược can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em cho giai đoạn 10 năm tới.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) khẳng định: "Để đạt được sự thành công ban đầu ngày hôm nay, chúng tôi không chỉ đánh giá cao mà ghi nhận, biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH. Chúng tôi luôn tự hào vì được chung tay cùng Việt Nam trong suốt thời gian qua và xin được nhắc lại lời của Chủ tịch tổ chức GHAI: “Việt Nam là nơi chúng ta viết nên những điều kỳ diệu”.

Hơn 8.000 trẻ được học bơi

Theo nghiên cứu đánh giá độc lập của trường ĐH Y tế công cộng, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai ban đầu, cụ thể:

Tính riêng năm 2019, hơn 8.000 trẻ em được học bơi và hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch đặt ra.

Tỷ lệ biết bơi chung tại 8 tỉnh chương trình hiện nay là 25,5% cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của chương trình. Hơn 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn được cung cấp bơi chương trình và hơn 10.000 hướng dẫn viên tại các xã, trường học được tập huấn cấp chứng chỉ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em.

Bên cạnh đó, hơn 4.700 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn; 8 bể bơi của chương trình được lắp đặt mới và 35 bể bơi huy động của địa phương để tổ chức dạy bơi cho trẻ em…

Ngọc Hân