Văn Giang (Hưng Yên):
Thủ phủ hoa tất bật vào vụ dịp Tết Nguyên đán
(Dân trí) - Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng trên cánh đồng xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), người trồng hoa đang bận rộn chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất trong năm.
Vất vả quanh năm
Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng 3 tháng, những hộ gia đình làm nghề trồng hoa trên địa bàn xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) lại bắt đầu xuống giống, chăm sóc, chuẩn bị hoàn tất những công đoạn cuối trước khi đón các lái buôn hoa tới.
Dù đang trưa đứng bóng, nhiều người dân vẫn đang miệt mài chăm sóc những cây hoa cho kịp bán tết. Chị Phan Thị Hằng, chủ của một vườn hoa trên địa bàn xóm 1 (xã Xuân Quan), cho biết: “Muốn hoa nở đúng dịp tết và đều nhau, việc trồng mỗi loại hoa chỉ diễn ra từ 2 - 3 ngày. Thời gian gấp gáp, gia đình tôi phải thuê thêm 3 người làm”.
Theo chị Phan Thị Hằng, hoa chuẩn bị cho tết ở xã Xuân Quan có hàng trăm loại khác nhau nhưng chủ yếu là cúc, hồng, đồng tiền, hoa giấy, dạ yến thảo… Mỗi loại hoa được trồng ở một thời điểm khác nhau trong năm nên người dân ở đây bận rộn quanh năm.
Có 15 năm trong nghề trồng hoa, chị Phan Thị Hằng cho rằng, làm nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ cần hoa nở sớm hoặc nở muộn là coi như mất Tết, công sức cả năm trời đổ sông đổ bể.
“Ảnh hưởng sâu rộng của dịch Covid-19 khiến thị trường hoa năm nay khó dự báo. Chúng tôi không trồng nhiều loại hoa nở 1 lần mà tập trung trồng những loại hoa cây cảnh lâu năm như hồng, hoa giấy, mai đỏ. Vì những loại hoa này không bán được thì để lâu càng có giá” - chị Phan Thị Hằng bật mí.
Xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) có hơn 230 ha đất nông nghiệp, trong đó có đến 180 ha đất được sử dụng để trồng hoa, cây cảnh. Người dân ở đây bắt đầu trồng hoa từ những năm 2000, gần chục năm trở lại đây, cây hoa trở thành cây trồng chính của xã.
Với 5 sào ruộng trồng hoa, vợ chồng anh Nguyễn Đức Minh trú tại xóm 4, xã Xuân Quan phải có mặt ở đồng quanh năm.
Anh cho biết: “Vào những tháng đầu đông như này, thời tiết hanh khô, mưa ít, để hoa có thể sinh trưởng tốt, mỗi ngày cần phải tưới 2 lần mới đảm bảo được độ ẩm”.
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ 7 giờ sáng đến tối muộn, công việc hàng ngày của vợ chồng anh Nguyễn Đức Minh là cắt tỉa, bón phân và theo dõi hoa,… để kịp thời điều chỉnh và chữa trị khi hoa mắc bệnh.
“Không ít năm, chúng tôi mất trắng, do thời tiết đợt cuối năm nắng nóng, hoa nở rộ trước Tết gần tháng, không bán được. Như năm ngoái, bà con trồng hoa cũng khó khăn khi mà giáp Tết trời trở lạnh giá, hoa không nở kịp” - anh Nguyễn Minh Đức tâm sự.
"Mọi năm, đến thời điểm này đã có rất nhiều khách buôn đến đặt hoa Tết, nhưng năm nay lượng khách giảm đáng kể nên chúng tôi cũng dè chừng khi xuống giống" - anh Nguyễn Minh Đức tâm sự.
Theo anh Nguyễn Minh Đức, để khắc phục hạn chế lớn nhất là thời tiết, hiện nay có nhiều cách như trời lạnh thì dùng nilon quây kín và thắp bóng đèn, nếu trời nắng quá thì phải giữ đất ẩm, che nắng giảm lượng phân bón để hạn chế hoa phát triển.
Anh Nguyễn Minh Đức cho rằng, vất vả là thế nhưng nghề trồng hoa đem lại thu nhập khá cho gia đình và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã.
Lấy công làm lãi
Khách hàng mua hoa đến từ nhiều nơi trên cả nước như Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương.
“Vốn đầu tư để trồng hoa không nhiều, chủ yếu là lấy công làm lãi, nhưng giống hoa như cúc vạn thọ, hồng… đều có thể tận dụng cành sau khi cắt tỉa của cây mẹ để ươm thành cây khác. Mỗi năm trên 5 sào ruộng trồng hoa gia đình tôi thu về được khoảng 150 - 200 triệu đồng” - anh Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Tất bật "vào chậu" cho những cây hoa chuẩn bị cho vụ Tết, bà Lê Thị Ưng chủ vườn hoa trên địa bàn xóm 4, xã Xuân Quan cho biết: “Mỗi chậu hoa Dạ yến thảo như này phải mất 4 tháng trồng và chăm sóc. Chi phí cho mỗi chậu khoảng 10.000 nhưng vào dịp tết tôi xuất bán tại vườn với giá khoảng 60.000 đồng”.
Được biết, với diện tích 4 sào đất trồng hàng chục loại hoa, trừ chi phí mỗi năm bà Lê thị Ưng thu về hơn 200 triệu đồng. Năm nay, vườn nhà bà Lê Thị Ưng chuẩn bị nhiều loại hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2021 như: Hồng tam muội, hồng nhung, một số giống hồng nhập khẩu từ nước ngoài, cùng với các chậu cây làm cảnh như: Thược dược, vạn lộc, phú quý, kim phát tài, thịnh vượng…
Theo bà Lê Thị Ưng, loại hoa đem lại giá trị kinh tế cao, ít công chăm sóc mà lại không sợ “ế khách” chính là hoa hồng. Để có một gốc hồng xuất bán, từ lúc ươm cành bà phải mất từ 2 - 4 năm.
“Năm nay dự kiến nghề trồng hoa chúng tôi sẽ rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch sức mua giảm. Thời tiết năm nay cũng được dự báo sẽ lạnh hơn mọi năm nên chi phí để kích thích cho hoa nở cũng sẽ tốn kém hơn” - bà Lê Thị Ưng cho biết thêm.
Phát triển bền vững
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan - cho biết: “Hiện nay toàn xã Xuân Quan có 180 ha dùng để trồng hoa, chiếm 78% diện tích đất nông nghiệp và diện tích trồng hoa ngày càng tăng lên”.
Theo ông Lê Quý Đôn, trồng hoa là nghề chủ lực phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay nghề trồng hoa tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động trên địa bàn xã và hơn 1.000 lao động các địa phương lân cận.
Ngoài ra, nghề trồng hoa còn đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người già ở địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
“Theo khảo sát, số lượng hoa được sản xuất tại xã Xuân Quan chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của thị trường, hàng ngày vẫn phải nhập thêm hoa ở Trung Quốc, và Đà Lạt mới đủ cung cấp ra thị trường” - ông Lê Quý Đôn cho biết thêm.
Chia sẻ về định hướng và biện pháp phát triển bền vững làng nghề, ông Lê Quý Đôn cho hay, hàng năm, xã thường xuyên mời các chuyên gia về tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, để cải thiện chất lượng, giảm chi phí và thời gian trồng hoa.
Ngoài ra, ông Lê Quý Đôn nhấn mạnh, hàng năm xã Xuân Quan đưa những giống hoa mới, kháng sâu bệnh, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của xã hội, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.