Từ lao động bị giãn việc trở thành bà chủ

Dịch Covid - 19 bùng phát, nhiều lao động bị mất việc làm. Để vượt qua khó khăn, một số người đã chủ động học nghề, chuyển hướng kinh doanh, làm chủ quán ăn và thành công.

Chị Mai Anh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội từng làm kế toán cho một công ty chuyên xây dựng phần mềm cho các đối tác nước ngoài. Với thâm niên 15 năm gắn bó, chị có mức lương rất đáng để nhiều người mơ ước.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát ở trong và ngoài nước, công ty nơi chị làm việc cũng như bao doanh nghiệp khác đều bị ảnh hưởng. “Đối tác của công ty em phần lớn ở các nước như Pháp, Phần Lan. Số lượng đơn hàng ít dần theo sự lây lan của dịch” - chị Mai Anh nhớ lại.

Từ lao động bị giãn việc trở thành bà chủ - 1

Đơn hàng giảm kéo doanh thu của công ty đi xuống. Để duy trì hoạt động, công ty phải thực hiện chính sách cho nhân viên nghỉ việc luân phiên, đồng thời cắt giảm lương. Làm việc tại bộ phận kế toán, chị Mai Anh hiểu và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với công ty, nhưng cũng từ đây, cuộc sống của chị khá chật vật.

Tranh thủ thời gian giãn việc, chị đăng ký tham gia một khóa học nghề nấu ăn ngắn hạn tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội với ý định mở mang kiến thức và kỹ năng sống. Qua một vài buổi học, chị nhận thấy có thể thay đổi tình thế, từ “nguy cơ” thất nghiệp thành “cơ hội” làm bà chủ quán ăn.

Chia sẻ với người thân, chị được chồng và gia đình hai bên ủng hộ. “Chồng rồi ông bà nội, ông bà ngoại đều hỗ trợ em rất nhiều, nhất là về tinh thần”, chị Mai Anh thổ lộ.

Sau khi lên kế hoạch chi tiết để mở một quán phở, chị quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, chủ động trở thành “lao động thất nghiệp”. Chị Mai Anh cho biết, dù có đôi chút lo lắng nhưng càng lo chị càng “toàn tâm, toàn ý” cho việc mở quán.

Từ lao động thất nghiệp, chị Mai Anh đã là bà chủ một quán phở ở khu vực Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chồng chị - anh Doãn Mạnh Tiến cũng vậy. Từ đối tượng có nguy cơ bị công ty cắt giảm nhân lực bất cứ lúc nào, anh cũng chủ động xin nghỉ việc để cùng vợ gây dựng quán.

“Em nghỉ việc một phần vì thu nhập không được như kỳ vọng, phần khác vì thấy khối lượng công việc khi mở quán quá lớn, một mình vợ em không thể cáng đáng”, anh Tiến chia sẻ. Theo anh, câu chuyện thành công hay thất bại là ở tương lai. Hiện tại, hai vợ chồng anh chỉ biết cố gắng hết sức, làm tốt những gì có thể.

Dõi theo các bước đi trong việc mở quán của học viên, chị Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, khó khăn, thách thức còn ở phía trước, nhưng cũng như nhiều người từng học nghề ở đây, chị Mai Anh sẽ khởi nghiệp thành công. "Thời gian qua, nhiều người đã gửi thư cảm ơn chúng tôi về những khóa học nghề ngắn hạn”, chị Liễu bày tỏ.

Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng khó khăn, thách thức. Không ngại gian khó, chấp nhận rủi ro để nắm bắt cơ hội, chắc chắn thành công sẽ đến với những người như chị Mai Anh./.

Theo Nho Trung
VOV 2, VOV.VN