1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghệ An:

Thu nhập tăng, nhiều nông dân chuyển thành công nhân ngay tại quê nhà

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Khi hàng loạt công ty may mặc mọc lên, nhiều nông dân ở làng quê Nghệ An đã nắm lấy cơ hội để làm công nhân nhằm mong có công việc, thu nhập tốt hơn mà không phải ly hương.

Chênh lệch thu nhập 

Từ ngày lập gia đình, thu nhập của hai vợ chồng chị Phan Thị Tuyết và anh Nguyễn Văn Tiến, ở xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên khó khăn. Vợ chồng anh chị còn làm thêm nhiều nghề phụ nhưng thu nhập cũng không ăn thua.

Tháng 6/2020, khi thấy nhiều nhà máy may được xây dựng ngay trên quê hương mình, 2 vợ chồng chị Tuyết đã mạnh dạn chuyển hướng sang học nghề. Sau 3 tháng học nghề, anh chị đã nộp đơn xin việc tại Công ty may An Hưng, có nhà xưởng ngay tại xã nhà.

Thu nhập tăng, nhiều nông dân chuyển thành công nhân ngay tại quê nhà - 1

Tấp nập từng đoàn xe của các nhà máy, doanh nghiệp đưa đón công nhân đi làm.

Chị Tuyết tâm sự: "Vợ chồng tôi làm nghề nông lâu nay rất vất vả, nhưng thu nhập lại không ổn định. Đầu năm 2021, công ty ở gần nhà đi vào hoạt động nên vợ chồng đã nộp hồ sơ vào đây làm nên thu nhập khá ổn định. Giờ đây, tiền lương của hai vợ chồng khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần so với làm ruộng".

Cũng theo chị Tuyết, đi làm công nhân đỡ vất vả hơn, trung bình mỗi tháng lương 6 triệu đồng, cao hơn nguồn thu của cả vụ lúa làm trong thời gian 3-4 tháng. Không những vậy, công ty ở gần nhà nên ngoài giờ hành chính, chị có thể làm thêm nhiều việc gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở xã Bài Sơn Đông, huyện Đô Lương bày tỏ: "Nhiều năm qua tôi đi làm những công việc như cuốc cỏ, bóc vỏ keo thuê… nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2020, tôi đăng ký học may, sau đó làm việc tại Công ty may Minh Anh trên địa bàn. Công việc phù hợp, thu nhập ổn định và gần nhà nên tôi rất yên tâm làm việc".

Thu nhập tăng, nhiều nông dân chuyển thành công nhân ngay tại quê nhà - 2

Nhiều lao động nông thôn đã chọn công việc gần nhà thay vì phải ly hương.

Những trường hợp như chị Tuyết, chị Nguyệt ở các vùng quê Nghệ An hiện nay không hiếm. Lâu nay họ chỉ quanh năm "chân lấm tay bùn"... nhưng thu nhập lại thấp.

Giờ đây, họ là những người công nhân ăn cơm nhà, làm việc tại quê nhà và có thu nhập ổn định. Sau khi tan ca từ nhà máy, những người công nhân có thể trở về với ruộng vườn để kiếm thêm nguồn thu cho gia đình.

Những hiệu ứng tích cực

Từ một huyện thuần nông với 68% lao động làm nông nghiệp, đến nay Đô Lương là một trong những địa phương có số người chuyển dịch lao động sang làm ở lĩnh vực công nghiệp với tốc độ nhanh tại Nghệ An.

Tính đến ngày 30/4, huyện đã giải quyết được 14.000 người có công ăn việc làm. Lao động được đào tạo nghề là khoảng 9.000 người, trong đó có khoảng 4.000 lao động đang làm việc trong các nhà máy may trên địa bàn. 

Thu nhập tăng, nhiều nông dân chuyển thành công nhân ngay tại quê nhà - 3

Nhiều lao động nông thôn chuyển sang làm công nhân, có thu nhập ổn định hơn.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Anh Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương (Nghệ An), thông tin: "Hàng ngàn lao động có việc làm đã góp phần tạo sự ổn định về mọi mặt ở các làng quê. Huyện Đô Lương sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm nhiều công ty, doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn lao động nông nghiệp sang công nghiệp".

Không chỉ ở huyện Yên Thành, Đô Lương, cuộc sống người dân nông thôn các địa phương khác giờ cũng không còn quá phụ thuộc vào nông nghiệp, nhiều lao động nông thôn đã chủ động chuyển thành công nhân.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, tại huyện miền núi Tân Kỳ có 68.000 lao động, nhờ giải pháp "ly nông" nên đã giải quyết được cho hơn 40.000 người lao động có việc làm ổn định ngay trên địa bàn.

Huyện Yên Thành được biết đến là một trong những huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 67 %, toàn huyện có 170.000 người trong độ tuổi lao động. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 nhà máy may lớn, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.500 công nhân trên toàn huyện. Tính đến tháng 5/2021, đã có hơn 4.000 lao động của địa phương làm việc tại các nhà máy. 

Bà Phan Thị An, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành cho biết: "Có được kết quả này nhờ chủ trương và nhiều giải pháp tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch lao động. Trong đó ưu tiên phát triển ngành nghề, đưa công nghiệp, thương mại, dịch vụ về nông thôn".