3 nhóm ngành bất chấp khó khăn, doanh nghiệp chạy đua "săn" nhân sự

Hoài Nam

(Dân trí) - Thị trường lao động hiện không ngừng biến động, thay đổi nhưng có 3 nhóm ngành dù bối cảnh thuận lợi hay khó khăn thì thực tế các doanh nghiệp vẫn liên tục "săn"... người.

Thông tin này được chia sẻ tại ngày hội việc làm VLU's Job Fair 2025 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM tổ chức tại Trường Đại học Văn Lang.

Tại đây có hơn 11.000 cơ hội việc làm dành cho sinh viên và người lao động trẻ cùng nhiều hoạt động kết nối nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi.

3 nhóm ngành bất chấp khó khăn, doanh nghiệp chạy đua săn nhân sự - 1

Sinh viên tại TPHCM tìm hiểu về cơ hội việc làm (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập kiêm CEO TopCV Việt Nam cho hay, yêu cầu trên thị trường lao động giờ đây thay đổi chóng mặt. Có những công việc rõ ràng thị trường đang thể hiện nhu cầu lớn nhưng 2-3 năm sau, khi một lứa nhân lực mới ra trường tình hình đã khác hẳn.

Vậy nên, người này nhấn mạnh, sinh viên cần nắm thông tin về xu hướng trên thị trường lao động thường xuyên.

Khảo sát TopCV thực hiện vào cuối năm chỉ ra, yếu tố lạm phát, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến thị trường lao động là 55,77%. Còn ở thời điểm này, theo ông Trần Trung Hiếu, mức độ ảnh hưởng có lẽ đã ở quanh mốc 90%. 

Tuy nhiên, khảo sát chỉ ra 3 nhóm ngành vẫn luôn "khát" nhân tài, gồm phát triển kinh doanh, marketing và truyền thông, lĩnh vực công nghệ chuyển đổi số.

Đây là nhóm ngành vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong tuyển dụng, không thay đổi trong 6 năm liên tiếp đơn vị này thực hiện khảo sát.

"Đây là 3 nhóm vị trí mà doanh nghiệp nào cũng ưu tiên tuyển dụng liên tục bất kể bối cảnh thuận lợi hay khó khăn. Những nhóm vị trí này luôn tồn tại và luôn nằm trong bản đồ chiến lược nhân sự quan trọng của doanh nghiệp gồm cả giữ người và phát triển nguồn nhân lực kế cận", ông Nguyễn Trung Hiếu cho hay.

Theo khảo sát, những ngành có tỷ lệ ổn định việc làm cao nhất gồm những công việc liên quan đến giáo dục và đào tạo 45,9%, nhân sự đào tạo & phát triển 46,47,  nhân sự C&B (liên quan đến lương thưởng và phúc lợi) và nhóm ngành phát triển sản phẩm cùng có tỷ lệ ổn định cao nhất với 50%.

Top 3 ngành có tỷ lệ thôi việc cao nhất gồm phát triển kinh doanh/bán hàng, tiếp thị/truyền thông/quảng cáo, chăm sóc sức khỏe và xã hội.

Trong 9 nhóm việc làm hiện nay trên thị trường lao động, có 2 nhóm việc làm có mức lương trung vị cao nhất, thuộc những người lao động có 1-3 năm kinh nghiệm.

Đó là nhóm việc làm công nghệ thông tin - phần mềm với mức lương 20 triệu đồng/tháng, kế đến là nhóm việc làm về dược phẩm/chăm sóc sức khỏe/công nghệ sinh học 19,5 triệu đồng/tháng. Thấp nhất là lĩnh vực chế tạo và bất động sản với mức từ 7 đến 14 triệu đồng.

Khảo sát cũng chỉ ra 44,6% người lao động mong muốn ứng tuyển vào các công ty lớn, uy tín, điều kiện kinh doanh ổn định.

Tuy nhiên, CEO Nguyễn Trung Hiếu lưu ý, giờ đây mọi thứ luôn biến động, sự ổn định sẽ là kỳ vọng không còn phù hợp với thị trường lao động.

Người này cũng chia sẻ về thời đại không còn sự phân biệt nhiều giữa các thế hệ lao động. Các doanh nghiệp từng đặt câu hỏi làm sao làm việc với gen Y, gen Z và sắp tới là gen Alpha nhưng trong kỷ nguyên số, ông Hiếu cho rằng sẽ không còn gen nào nữa, tất cả chỉ còn một gen là gen AI.

Bộ khung năng lực đối với gen AI có 5 yếu tố cốt lõi gồm khả năng tự quản trị bản thân, phát triển quan hệ, năng lực phân tích, kỹ năng quản lý, khả năng lãnh đạo.

3 nhóm ngành bất chấp khó khăn, doanh nghiệp chạy đua săn nhân sự - 2

Bộ khung năng lực cần thiết cho nhân sự trong thời đại AI (Ảnh: Hoài Nam).

Trong các yếu tố cốt lõi này có nhiều kỹ năng khác nhau nhưng theo ông Hiếu, có một số kỹ năng như học tập nhanh, phát triển; quản lý khả năng thích ứng; kỹ năng xã hội và hợp tác dựa trên AI; tư duy phản biện… cực kỳ quan trọng.

Kỹ năng này sẽ giúp mỗi người lao động bằng kinh nghiệm, trải nghiệm và năng lực của mình cộng với sự hỗ trợ của công nghệ có yếu tố AI để làm việc hiệu quả và xuất sắc hơn.

Ông Hiếu kể, trước đây ông thường xuyên cần 1-2 trợ lý hỗ trợ công việc nhưng 2 năm trở lại đây, trợ lý xuất sắc nhất, hiểu thủ trưởng nhất, hiệu quả nhất chính là các máy AI, nhất là ChatGPT.

"Thời đại bắt buộc phải thích ứng, sống chung và làm việc hiệu quả cùng AI. Đây là lợi thế cạnh tranh mà tất cả người lao động phải hướng tới, không thể nào đảo ngược", ông Hiếu nhấn mạnh.