Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“2019 - năm bứt phá mạnh mẽ của lĩnh vực lao động - việc làm, người có công và an sinh xã hội”

(Dân trí) - Những năm gần đây, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều thành công lớn, nhất là ở 3 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thể chế; chính sách người có công; vấn đề lao động việc làm và đào tạo nghề nghiệp. Những nỗ lực này đã được người dân đánh giá cao, các cấp các ngành và đại biểu Quốc hội ghi nhận.

dung.jpg

Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng, giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản.

Nhân dịp đầu Xuân, phóng viên Báo điện tử Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

LÀM TRONG SẠCH CŨNG CHÍNH LÀ TÔN VINH

Thưa Bộ trưởng, nếu cần đánh giá khái quát về kết quả nổi bật của Ngành năm 2018, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?

- Cùng với thành tựu chung của cả nước, năm 2018, Ngành LĐTB&XH thực sự đã có bước chuyển động, đổi mới; các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và của Ngành đặt ra đều đạt và vượt, trong đó có những lĩnh vực xác lập kỷ lục mới.

Cụ thể: Lĩnh vực lao động, việc làm, giảm nghèo chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cả nước giảm 1,35%, hiện còn 5,35%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; số lao động có bằng cao đẳng, đại học và thanh niên thất nghiệp giảm mạnh so với năm 2017; giáo dục nghề nghiệp bước đầu có những đổi mới và hiệu quả rõ rệt; các lĩnh vực chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thực sự đem lại hiệu quả thiết thực…

Chính sách người có công thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tinh thần là một chuyện nhưng phương pháp lại là chuyện khác. Bộ LĐTBXH đã có những biện pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này?

- Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện tốt nhất thời gian qua. Song chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều mới đền đáp phần nào sự hy sinh của đồng bào cả nước trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Để thực hiện công việc này, chúng tôi phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ:

Trước hết, chúng tôi đã thực hiện nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng người có công. Hai là đưa ra các quyết sách đột phá, sáng tạo cùng với cách làm quyết liệt giải quyết vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất là giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công…Đây là việc khó khăn, song tất cả đều làm một cách thận trọng, công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

"Với công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tới tháng 10/2018, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 228.154 hộ, tiếp tục triển khai hỗ trợ cho 57.896 hộ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Ba là giải quyết hàng ngàn đơn thư, hàng trăm các vụ việc kéo dài, bức xúc trong lĩnh vực này.

Bốn là triển khai Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Qua hơn 5 tháng hoạt động, tính trung bình, Cổng thông tin điện tử có số lượng truy cập 200.000 lượt/ngày, trong số đó số lượt truy cập đồng thời cùng một thời điểm lên đến 15.000 lượt, tôi được biết thời gian qua Cổng thông tin điện tử có vài chục gia đình đã tìm được người thân của mình đang nằm ở các nghĩa trang - hạnh phúc lắm chứ!

Được biết, vừa qua Ngành LĐ-TB&XH còn rất quyết liệt đối với các trường hợp giả mạo người có công, đã phát hiện nhiều trường hợp là thương binh giả và đối tượng trục lợi chính sách?

- Đây là hai mặt của một vấn đề. Việc làm “trong sạch” để loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn hoặc man khai hồ sơ để trục lợi chính sách cũng chính là tôn vinh các thương binh, liệt sĩ và người có công. Họ, mà đặc biệt là với hương hồn các anh hùng liệt sĩ sẽ khó chấp nhận “ngồi chung” với những người không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là trường hợp khai man.

Đi đôi với việc xử lý các trường hợp vi phạm, chúng tôi cũng khuyến khích và không hồi tố với các trường hợp tự giác khai báo, tự nguyện hoàn trả lại chính sách đã hưởng lợi. Đây là việc không vui gì song tôi tin là nhân dân sẽ ủng hộ.

THỰC HIỆN ĐÀO TẠO GẮN VỚI NHU CẦU THỊ TRƯỜNG

Được biết Bộ trưởng đã rất quyết liệt trong tham mưu và triển khai tái cơ cấu thị trường lao động? Xin hỏi Bộ trưởng kết quả đến nay như thế nào?

- Nhìn tổng quát thể chế và cơ cấu thị trường lao động của chúng ta đã có một số tiến bộ, các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng thực hiện.

Các nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu lao động được tăng cường; chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng việc làm dần cải thiện, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức tăng nhanh…

Cách đây đúng 2 năm, khi Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp - đó đây cũng còn ý kiến băn khoăn song đến nay dư luận chung của xã hội cho rằng đây là quyết định chính xác...?

- Chúng tôi cũng coi đây là khâu đột phá của ngành và "lao tâm, khổ tứ" lĩnh vực này. Chẳng hạn trong 2 năm qua, chúng tôi đã tham mưu ban hành và ban hành khối lượng khổng lồ các văn bản hướng dẫn thi hành (46 văn bản bao gồm: 05 nghị định, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 30 thông tư và 04 thông tư liên tịch).

Rà soát, sắp xếp tinh gọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 329 trung tâm cấp huyện, 36 trường trung cấp. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, kết nối doanh nghiệp; chuyển mạnh sang đào tạo theo đơn đặt hàng, theo đầu ra.

"Lần đầu tiên giáo dục nghề nghiệp Việt Nam của chúng ta tuyển sinh các cấp (cao đẳng, trung cấp,...) vượt kế hoạch, đạt khoảng 2,2 triệu người. Nhận thức của xã hội, của thanh niên về giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã có chuyển biến. Tuy nhiên, theo tôi đây là công việc cần phải kiên trì và quyết liệt trong thời gian tới" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Từng bước thực hiện chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp, đổi mới các chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (9+) đi đôi với liên kết đào tạo với nước ngoài - công nhận văn bằng chứng chỉ; chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình từ nước ngoài (Đức, Úc,...) giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận công nghệ đào tạo tiên tiến trên thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

HÌNH ẢNH NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Một lĩnh vực rất được quan tâm hiện nay, đó là xuất khẩu lao động. Vậy so với giai đoạn trước, có điều gì mới, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2018, tiếp tục là năm thành công và xác lập kỷ lục trong công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới mở với hơn 140.000 người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong kết quả trên phải kể đến thị trường Nhật Bản đang đứng đầu với hơn 67.000 thực tập sinh, là 1 trong 4 thị trường lao động trọng điểm, điều kiện việc làm tốt, thu nhập bình quân của thực tập sinh đạt khoảng 1.200 USD/tháng.

Đối với các thị trường truyền thống khác như Đài Loan (TQ), Singapore, Malaysia, Hàn quốc... chúng tôi tiếp tục củng cố đồng thời không ngừng tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới.

Chúng tôi đã làm việc với Bộ Lao động và Chính sách xã hội Cộng hòa Bungaria, Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani và một số quốc gia khác nhằm ký kết hợp tác, mở ra triển vọng hợp tác toàn diện các lĩnh vực lao động, an sinh xã hội.

Trong đó, có việc hợp tác trong năm 2019 và các năm tiếp theo đưa lao động Việt Nam có kỹ năng, tay nghề sang làm việc tại các quốc gia Đông Âu.

Được biết một trong những “vấn nạn” của người lao động chúng ta hiện nay là tình trạng thiếu ngoại ngữ, ít hiểu biết về văn hóa các quốc gia sở tại và đặc biệt là một bộ phận vô kỉ luật, bỏ trốn không thực hiện hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước. Vậy Bộ có kế sách gì cho các “vấn nạn” này?

- Chắc chắn chúng ta phải có một chiến lược rất bài bản, khoa học về vấn đề này và cụ thể với từng địa bản, từng lĩnh vực.

Trước mắt, về ngoại ngữ và văn hóa nước sở tại, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải đào tạo một cách bài bản thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi người lao động.

Thứ hai, việc vô kỉ luật, bỏ trốn sẽ được thắt chặt ngay từ các địa phương và các trung tâm, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Năm 2018, chúng tôi đã tổ chức 23 cuộc thanh tra định kỳ, ra quyết định xử phạt đối với 13 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép đối với 3 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động vì những sai phạm lớn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ sẽ trình sớm Dự án sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ban hành những quy định để ngăn chặn, giảm thiểu các vấn nạn như nhà báo đã nêu bởi nhìn từ góc độ quốc gia, đây không chỉ đối với cá nhân người lao động mà còn là hình ảnh người Việt Nam ra nước ngoài.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại để tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý các cơ sở sử dụng lao động trái phép cùng các giải pháp hỗ trợ, vận động lao động Việt Nam về nước theo đúng quy định.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục người lao động về ý thức, tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người lao động để nâng cao phẩm chất người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao uy tín của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một câu hỏi hơi… “ngoài lề”, đó là công tác cải cách hành chính mà hiện nay, nhiều Bộ, ngành đã làm rất quyết liệt. Còn đối với Bộ LĐ-TB&XH?

- Năm 2018 và năm 2019, Bộ LĐTBXH tiếp tục chú trọng cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Kết quả năm 2018, Bộ đã đề xuất và cắt giảm 36 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 34 điều kiện, loại bỏ 05 điều kiện trên tổng số 112 điều kiện kinh doanh của 09 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ 65,42 %, vượt so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra (là 50%). Từ xếp hạng thấp nhất 19/19 các bộ ngành, chúng tôi đã phải "tự lột xác" để lọt vào nhóm 12 bộ, ngành có chỉ số cải cách hành chính tốt nhất. Chúng tôi là 1 trong các bộ được Chính phủ khen đấy ạ (cười).

NHIỀU BỨT PHÁ NĂM 2019

Bộ trưởng có thể khái quát mục tiêu tổng quát của Ngành năm 2019:

- Năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục là năm phấn đấu đạt các mục tiêu nhiệm vụ một cách toàn diện và bứt phá nhất là các chỉ tiêu quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành làm thường trực.

Những nhiệm vụ ưu tiên là xây dựng thể chế; thực hiện các Chương trình, nhiệm vụ do Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về một số vấn đề về chính sách xã hội; trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương.

Phát triển thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp học sinh.

Tiếp tục rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Hoàn thiện chính sách giảm nghèo, khuyến khích người nghèo, cận nghèo tích cực, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm việc trục lợi chính sách.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em…Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của Bộ.

Tại phiên lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ vừa qua, trong số các thành viên Chính phủ nhận được sự tín nhiệm cao của các đại biểu (tỷ lệ 92,17% số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao), ông có thể cho biết cảm tưởng của mình.

- Đã là lãnh đạo thì phải chấp nhận áp lực và đòi hỏi cao của nhân dân. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng vậy! Song quả thực đối với lãnh đạo một ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội áp lực là rất lớn và cũng có những nét rất khác biệt. Với tôi thì tâm niệm rằng: Người hạnh phúc là người đem lại những hạnh phúc cho người mà mình phụng sự. Đã là nhiệm vụ được giao thì phải cố gắng, tâm huyết và trách nhiệm để hoàn thành và rồi như ông bà ta đã có câu “Gái có công - Chồng không phụ”.

Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ trưởng cũng như toàn ngành LĐ-TB&XH sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới trong năm 2019.

Hoàng Mạnh (Thực hiện)