Thu nhập của người lao động vẫn tăng, bất chấp tình hình khó khăn

Hoa Lê

(Dân trí) - Quý III/2023, thị trường lao động được đánh giá là có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, đời sống người lao động cải thiện đáng kể khi mức thu nhập bình quân tăng lên mức 7,1 triệu đồng/tháng.

Thu nhập bình quân của lao động 7,1 triệu đồng

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 146.000 đồng so với quý II.

Thị trường lao động đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể.

So với cùng kỳ năm trước, quý III năm nay thu nhập bình quân của người lao động tăng tại tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất.

Trong quý này, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,1% (tương ứng tăng 485.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của người lao động vẫn tăng, bất chấp tình hình khó khăn - 1

Tiền lương của người lao động được cải thiện (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc tại tỉnh Thái Nguyên là 7,3 triệu đồng, tăng 15,6% (tương ứng tăng 979.000 đồng); tại thành phố Hà Nội là 9,9 triệu đồng, tăng 9,7% (tương ứng tăng 873.000 đồng). Riêng tại Bắc Ninh, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm 3,8% (tương ứng giảm 328.000 đồng).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,8 triệu đồng, trong đó, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TPHCM là 9,3 triệu đồng, tăng 0,6% (tăng 56.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III tại ba khu vực kinh tế đều tăng; trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất.

Lao động có việc làm tăng

 Cũng trong quý III, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng gần 100.000 người so với quý trước và hơn 500.000 người so với cùng kỳ năm trước. 

51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 87.400 người so với quý II. Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,2 triệu người.

Điểm đáng lưu ý, quý III ghi nhận sự phục hồi nhẹ về lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi bị sụt giảm do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng trong các ngành công nghiệp dệt, may, da giày, chế biến gỗ và điện tử. 

Thu nhập của người lao động vẫn tăng, bất chấp tình hình khó khăn - 2

Thị trường lao động trên đà phục hồi (Ảnh minh họa: Hoa Lê).

Bên cạnh đó, số lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có dấu hiệu phục hồi. Ở chiều ngược lại, lao động ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7.900 người.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III là khoảng 54.200 người, giảm 187.300 người so với quý trước. Đa số lao động bị giãn việc chủ yếu ở ngành da giày, dệt may.

Bên cạnh đó, số lao động bị mất việc là 118.400 người, giảm 99.400 người so với quý trước.

Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày và chủ yếu ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương (khoảng 33.600 người) và TPHCM (khoảng 34.600 người).