Thời lãnh đạo trẻ lên ngôi
Khắp cả châu Âu cũng như trên toàn thế giới, nhiều chính trị gia lão làng đã và đang bị cử tri gạt sang một bên để nhường đường cho những gương mặt trẻ.
Ngày 19/10 qua, bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, đã đắc cử Thủ tướng New Zealand và trở thành người lãnh đạo trẻ tuổi thứ nhì trong lịch sử quốc gia này. Nếu chỉ tính riêng năm ngoái, thì từ Pháp, Ireland cho tới Estonia, cử tri đều đã chọn những người đứng đầu dưới 40 tuổi. Bỉ, Hi Lạp, Malta và Luxembourg cũng hưởng ứng xu thế trên khi bầu chọn các chính trị gia dưới 45 tuổi.
Nổi bật hơn cả trong làn sóng người trẻ thoát khỏi rào cản tuổi tác để vươn lên làm lãnh đạo là Sebastian Kurz. Người đàn ông với biệt danh "Wunderwuzzi" (thần đồng), không những đã trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu trong năm 2013 mà hiện còn đang nắm giữ kỷ lục "lãnh đạo ít tuổi nhất thế giới" khi vừa bước sang ngưỡng cửa 31.
Có thể thấy, thành công của những nhà lãnh đạo trẻ là phản ánh cho việc các cử tri đang tìm kiếm nhiều thứ từ một chính trị gia hơn chỉ đơn thuần là kinh nghiệm. Tuổi trẻ, ngoại hình, sự thu hút cũng như khả năng trình bày đầy thuyết phục đều là các điểm chung của những Emmanuel Macron, Sebastian Kurz, Matteo Renzi hay Justin Trudeau v.v...
Và điều này thể hiện rất rõ trong cách xây dựng hình ảnh nơi lãnh đạo trẻ. Đơn cử như tân Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, thường xuyên xuất hiện trước công chúng với kiểu tóc vuốt ngược trẻ trung, áo sơ mi hở cúc không kèm cà vạt, hay đi lại bằng vé máy bay economy. Hình ảnh gần gũi và phóng khoáng này chứa đựng sự khôn ngoan của vị chính trị gia 31 tuổi khi ông dư sức biết rằng người Áo, đặc biệt là lớp trẻ, đang khao khát một sự đổi mới trong chính phủ như thế nào.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã đón nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cử tri thông qua hình ảnh giống như vậy khi luôn mỉm cười, giao lưu với người dân, đi tất đủ màu, diễu hành cùng người đồng tính, ủng hộ nữ quyền v.v...
Bà Sophie Gaston - Phó giám đốc Viện nghiên cứu Demos của Anh cho rằng, những lãnh đạo của thời đại mới đều "nắm rõ các nguồn lực cần thiết khi vận động tranh cử trong thời đại công nghệ ngày nay, cụ thể là việc tạo dựng hình ảnh, sử dụng mạng xã hội cũng như làm cách nào để tận dụng triệt để chúng nhằm kết nối trực tiếp với cử tri. Chính khả năng kể trên đã giúp họ trở thành ứng viên sáng giá, vượt xa những đối thủ truyền thống có phần "nặng ký" hơn".
Trên thực tế, cả thủ tướng Áo, Pháp lẫn Italia đều có xuất thân từ những đảng phái vốn đã tồn tại từ lâu. Nhưng, thứ giúp họ thành công chính là việc khiến cho cử tri tin rằng bản thân mình sẽ đem lại làn gió mới cùng những chính sách cải tổ quyết liệt.
Theo các chuyên gia, chính sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã khiến cho những "hiện tượng" chính trị trong thời gian qua được các cử tri ưa thích. Đồng thời, theo ông Stefan Lehne - học giả tại Trung tâm tư vấn Carnegie Europe thì sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội đã làm thay đổi động lực chính trị. Chính trị ở thời điểm hiện tại đã trở nên cuộc chơi nhanh và khó dự đoán hơn rất nhiều. Và, trong cuộc chơi ấy, người trẻ đang giỏi hơn hẳn trong khoản ứng phó với động lực mới so với những chính trị gia kiểu cũ.
Theo Doanh nhân Sài gòn