TPHCM:

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Khi tiệm tóc tạm đóng cửa, thợ cắt tóc Đặng Minh Mẫn (TPHCM) phải đi phụ sửa xe máy với mức lương 200.000 đồng/ngày. Các chủ tiệm khác cũng phải vật lộn, tìm cách xoay xở duy trì.

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 1

Anh Đặng Minh Mẫn đã có 4 năm theo nghề tóc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 công việc của anh phải tạm dừng nên thu nhập bị ảnh hưởng.

Hơn 20 ngày mất thu nhập

Từ ngày các tiệm spa, tiệm cắt tóc ở TPHCM tạm đóng cửa để ủng hộ chủ trương chống dịch Covid-19, cuộc sống của hàng nghìn thợ tóc đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Người có tài sản tích lũy có thể thoải mái ở nhà đợi ngày đi làm, nhưng đa số người nghèo gặp bộn bề lo toan. 

Hơn 2 tuần giãn cách vừa qua là thử thách với những tay kéo như anh Đặng Minh Mẫn (23 tuổi) - một người thợ có 4 năm gắn bó với nghề... Nghỉ dịch không chỉ thiếu tiền, anh còn nhớ nghề, nhớ khách cùng tiếng kéo lách cách. 

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 2

Thỉnh thoảng anh Đặng Minh Mẫn lại lên tiệm để lau dọn đồ nghề.

"Nghề tóc không có lương cố định như bao nghề khác. Thu nhập chính của người thợ đến từ số lượng khách mà họ phục vụ trong ngày. Hơn 20 ngày nghỉ dịch vừa qua, tôi không có thu nhập", anh Đặng Minh Mẫn than thở.

Trước giãn cách xã hội, anh có từ 10-15 khách mỗi ngày. Khách hàng ổn định giúp anh có kinh tế đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng. Tuy vậy, 2 năm nay thu nhập khá bấp bênh, đời sống thợ làm tóc gặp khó. 

"Không có thu nhập thời gian dài, tôi phải phụ sửa xe cho một tiệm gần nhà. Làm từ 8-22h với mức lương là 200.000 đồng/ngày để có thêm chi phí sinh hoạt gia đình", anh Đặng Minh Mẫn chia sẻ.  

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 3

Vừa khai trương tiệm được 1 tuần, anh Nguyễn Văn Pháp chấp nhận đóng cửa để ủng hộ chủ trương chống dịch Covid-19 của TPHCM.

Mở tiệm được một tuần phải đóng cửa hơn nửa tháng

Cùng chung nỗi lo, anh Nguyễn Văn Pháp (25 tuổi) tâm sự đã làm nghề tóc được 10 năm. Anh mới mở tiệm riêng, hoạt động được đúng một tuần thì phải đóng cửa đến bây giờ. Để sinh hoạt và duy trì cửa hàng anh đang sử dụng số tiền tích góp.

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 4

Do là tiệm mới mở nên chưa có doanh thu, số tiền để duy trì tiệm chủ yếu dựa vào tiền tích góp trong 10 năm đi làm thợ cắt tóc.

Chi phí thuê mặt bằng và mở tiệm tóc khá tốn kém. Khi quyết định mở tiệm, dịch Covid-19 lúc đó đang được kiểm soát. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau khai trương, số người nhiễm bệnh tăng lên nên tiệm tóc của anh phải tạm dừng hoạt động.

"Cũng một phần do tiệm mới mở nên khách không nhiều, một ngày cả tiệm chỉ khoảng 10-15 khách. Nếu đóng cửa 1-2 tháng tôi còn "ráng gồng", chứ tình trạng mà kéo dài chắc phải dẹp", anh Nguyễn Văn Pháp thở dài.

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 5

Cứ cách 2 ngày, anh lại ra tiệm để vệ sinh, lau bụi các dụng cụ chờ ngày được hoạt động trở lại để sẵn sàng phục vụ khách.

Khi tiệm mới mở nên chỉ có 3 người làm, ngoài anh Nguyễn Văn Pháp còn có 2 nhân viên cắt tóc. Khi phải tạm đóng cửa, anh chỉ biết khuyên thợ cố gắng bám trụ, chờ đến khi tiệm được hoạt động trở lại để theo đuổi đam mê.

"Khi tiệm không hoạt động đồng nghĩa với việc tôi không có thu nhập, nhưng thợ làm thuê thì còn khổ hơn nhiều. Họ phải lo đủ loại chi phí như tiền trọ, chi phí sinh hoạt nên tôi cố gắng hỗ trợ họ khoảng 60.000 đồng/ngày", anh cho biết.

Thợ cắt tóc thất nghiệp chuyển nghề mưu sinh qua ngày - 6

Anh Nguyễn Văn Pháp lo lắng nếu dịch kéo dài thì chắc tiệm phải đóng cửa.

Anh Nguyễn Văn Pháp chia sẻ mỗi lần phải tạm dừng hoạt động những người mở tiệm tóc như anh gặp rất nhiều khó khăn. Tiền mặt bằng chỉ dám nói khó chủ nhà hiểu hoàn cảnh thì có thể giảm, còn không phải "gồng".