1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thiếu lao động do giãn cách, địa phương "than khó, kể khổ" với Chính phủ

An Linh

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh bày tỏ lo ngại về vấn đề thiếu hụt lao động do giãn cách trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thực trạng thị trường lao động sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đợt bùng phát thứ tư cũng như hướng khắc phục là một trong những nội dung được đề cập tại hội nghị của Chính phủ với các bộ, ngành về khôi phục sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế của cả nước, được tổ chức ngày 20/9. 

Lao động đến từ vùng dịch bị cách ly, giãn cách 

Báo cáo Chính phủ về hướng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đang đứng trước rất nhiều khó khăn về thiếu lao động, tái sản xuất do người lao động thuộc vùng xanh giữa các quận, huyện trên địa bàn thành phố và lao động từ các tỉnh khác vào Hà Nội bị hạn chế.

Đáng nói, do cơ sở vật chất hạn chế và chi phí thực hiện yêu cầu sản xuất an toàn lớn nên tại Hà Nội, các doanh nghiệp cho biết, không bố trí được chỗ ăn, ở cho người lao động để sản xuất "3 tại chỗ".

Thiếu lao động do giãn cách, địa phương than khó, kể khổ với Chính phủ - 1

Việc hạn chế đi lại của các địa phương đang khiến nguy cơ doanh nghiệp thiếu lao động, tăng chi phí, gánh nặng (Ảnh Đỗ Linh).

Ngoài Hà Nội, Bộ KH&ĐT cũng nhận nhiều báo cáo ta thán của hàng loạt địa phương. Cụ thể, tại Tây Ninh, các doanh nghiệp có sử dụng lao động ngoài tỉnh gặp khó khăn khi hoạt động trở lại do quy định hạn chế đi lại giữa các địa phương.

Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, lao động chưa được di chuyển bằng phương tiện cá nhân qua lại được do địa phương chưa có văn bản chỉ đạo. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Vĩnh Long.

Đáng nói, Hà Tĩnh, trung tâm công nghiệp miền Trung, một số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt lao động nước ngoài. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

"Số lao động nước ngoài bị thiếu hụt này chủ yếu là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật có tay nghề cao sau khi về nước thăm gia đình, khám sức khỏe... muốn quay trở lại Việt Nam làm việc nhưng do tình hình dịch bệnh nên việc nhập cảnh khó khăn, trong khi lao động Việt Nam thì không đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu công việc", báo cáo của Bộ nêu.

Theo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thủ tục gia hạn visa cho các chuyên gia người nước ngoài vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với thực trạng thiếu công nhân do một số lao động đến từ các vùng dịch phải bị cách ly và giãn cách xã hội.

"Do đó, việc bố trí sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp phương án phòng chống dịch làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp kéo theo chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng nhất là đối với ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động thủ công như gốm sứ, da giày, dệt may... Hoạt động bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp phân phối hàng hóa thường xuyên bị quá tải do số lượng nhân viên giao hàng có hạn", báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu.

"Ông lớn" FDI tính tìm nơi sản xuất thay thế ngoài Việt Nam  

Thiếu lao động do giãn cách, địa phương than khó, kể khổ với Chính phủ - 2

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Tại TPHCM, nơi tâm dịch lớn nhất cả nước, một số doanh nghiệp vừa phục hồi sản xuất nêu khó khăn do thiếu hụt nhân lực nên việc bố trí người lao động ở các dây chuyền sản xuất bị mất cân đối, làm giảm năng suất lao động so với thời gian trước đây.

Theo đề xuất giải pháp của Bộ KH&ĐT, Chính phủ cần chỉ đạo các tỉnh, thành phố lân cận TP. Hà Nội tạo điều kiện cho người lao động thuộc các khu vực an toàn (vùng xanh) được đi lại liên tỉnh để đi làm hàng ngày.

Bắc Ninh thì yêu cầu người lao động ngoại tỉnh ở lại lưu trú tạm thời tại tỉnh này, hạn chế tối đa việc di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác nhằm hạn chế thời gian cách ly hoặc giãn cách.

Báo cáo Chính phủ, Bộ KH&ĐT nêu thực trạng doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như lắp ráp điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may đang bị ảnh hưởng tiêu cực do giãn cách và việc thiếu lao động.

Hơn nữa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng .

Đáng nói, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với hàng nghìn công nhân đã phải tạm ngừng sản xuất. Một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Apple, Intel đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác ngoài Việt Nam.