Hà Nội: Bớt giãn cách, tăng tuyển lao động
(Dân trí) - "Những ngày này, khách đến sửa xe rất nhiều. Tôi mong Hà Nội nhanh hết giãn cách để những người thợ của tôi trở lại", anh Lê Minh Ngọc, chủ cửa hàng sửa xe ở quận Cầu Giấy, bày tỏ.
Việc nhiều là có thu nhập
Sáng 18/9 - ngày thứ 2 trở lại làm việc bình thường, nhưng chị Lê Thị Hiếu (Phường Quan Hoa, Cầu Giấy) vẫn có cảm giác lâng lâng khó tả. Chị được quay trở lại với công việc của nhân viên bán hàng ở cửa hàng sách trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
"Nhà sách mở cửa trở lại, tôi vui lắm vì vẫn duy trì được việc làm. 2 hôm nay, khách hàng đến ngày một đông. Hơi mệt một chút nhưng như thế đảm bảo cửa hàng có nguồn thu và tôi cũng có thu nhập", chị Lê Thị Hiếu chia sẻ.
Cũng như nhiều người dân khác, chị làm việc trong sự nguy cơ lo lắng vì dịch bệnh còn phức tạp. Để đảm bảo sức khỏe, chị luôn đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh và phòng dịch theo quy định chung.
Bắt đầu từ 12h trưa (16/9), Hà Nội tiến hành nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2011 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Cũng phấn khởi vì được đi làm trở lại, chị Nguyễn Thu Trang (quê Ninh Bình) chia sẻ: "Sau một thời gian dài ở phòng trọ tôi cảm thấy rất ngột ngạt, được đi làm trở lại vừa cảm thấy thỏa mái và có thêm thu nhập".
Chị Nguyễn Thu Trang lại trở về với công việc tư vấn bán hàng cho một cửa hàng điện thoại di động ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm).
Đi làm mỗi tháng thu nhập chị Nguyễn Thu Trang từ 6-7 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ để chị trang trải cuộc sống trên Hà Nội.
Còn với anh Lê Minh Ngọc, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại Trương Công Giai (Cầu Giấy), việc nới lỏng giãn cách giúp công việc được mở trở lại. Chủ cửa hàng duy trì nguồn thu và người thợ cũng có việc làm, thu nhập.
Giảm sợ dịch, tăng tìm người
Một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động trở lại cũng là lúc các cơ sở sản xuất - kinh doanh phát sinh nỗi lo thiếu hụt lao động.
Theo anh Đinh Văn Thanh, chủ cửa hàng bán lẻ điện thoại ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm), trước khi xảy ra dịch Covid-19, cửa hàng có khoảng gần 20 nhân viên làm việc. Nhưng sau gần 2 tháng đóng cửa, anh chỉ còn 2-3 nhân viên bám trụ.
"Việc tuyển nhân viên trong thời gian này rất khó khăn và thời gian đào tạo lâu. Tạm thời, tôi mới mở lại một cơ sở. Chờ tình hình nhân sự có thêm, tôi mới mở lại cơ sở thứ 2", anh Đinh Văn Thanh chia sẻ.
Vấn đề nhân sự cũng là bài toán đau đầu của anh Lê Minh Ngọc. Cửa hàng có 2 thợ đều về quê nghỉ gần 2 tháng. Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, anh gọi điện thoại nhưng cả 2 đều không lên được.
"Những ngày đầu này, khách hàng đến sửa xe ngày một nhiều, tôi không dám nhận nhiều khách. Giờ tôi chỉ mong toàn thành phố Hà Nội nhanh hết giãn cách để 2 thợ quay trở lại làm việc", anh Lê Minh Ngọc bày tỏ.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cửa hàng trưởng của một nhà sách trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh của nhà sách.
Nhưng vì nhân viên nhà sách được ký hợp đồng dài hạn nên chế độ BHXH vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, nhà sách vẫn hỗ trợ thêm một phần lương để động viên người lao động.
"Đi làm trở lại, chúng tôi rất vui vì nay đã có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong thời gian này, chúng tôi cam kết luôn chấp hành thực hiện giãn cách, thực hiện 5K, bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh", chị Nguyễn Thị Thu Hiền nói.