Thị trường lao động Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Cộng đồng kinh tế chung ASEAN và các hiệp định thương mại đã ký kết mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức khi phải cạnh tranh từ lao động nước ngoài.

Thị trường lao động Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức - 1

Cơ hội nhiều

Theo nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế và Ngân hàng phát triển Châu Á, Cộng đồng kinh tế ASEAN có tác động rất lớn đến thị trường Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2025, Cộng đồng kinh tế ASEAN hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5%, việc làm thêm 10,5% và sự dịch chuyển lao động chiếm khoảng 1%.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cũng là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và những mặt hàng của Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Những lợi thế này đã giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Trong đó, nhu cầu việc làm đối với tay nghề trung bình tăng nhanh nhất ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23%, lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Còn theo dự báo của Viện Khoa học lao động xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.000 việc làm/năm, tập trung vào các ngành sản xuất - dịch vụ như nông nghiệp công nghệ cao, nội thất (đồ gỗ), dệt may, giày da, công nghệ thông tin, kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, logistic, thương mại, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ viễn thông, dịch vụ môi trường…

Riêng với TP.HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, bình quân mỗi năm Thành phố cần từ 310.000 đến 330.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới. 

Sở dĩ nhu cầu nhân lực tăng cao là vì kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được quan tâm. Tất cả đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực, dẫn đến tác động tích cực đến thị trường lao động.  

Thị trường lao động Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức - 2

Lao động Việt Nam cần phải trang bị tay nghề cao hơn

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong số nhân lực Thành phố cần thì nhân lực của 4 nhóm ngành công nghiệp, gồm: Điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, hoá chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm chiếm 21%; 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ chiếm 55% và 24% thuộc về các ngành công nghệ sinh học, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may - giày da, thiết kế thời trang, công nghệ truyền thông, công nghệ nông nghiệp, chế biến thuỷ hải sản…

Bên cạnh đó, các ngành điện tử - công nghệ thông tin, dịch vụ - kho bãi, thương mại, du lịch, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiến trúc, xây dựng, môi trường cũng tiếp tục thu hút nhân lực. Các nhóm ngành này chú trọng đến khả năng ứng dụng vào thực tiễn hơn là mang tính học thuật.

Nguồn nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này đa số là nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ.

Cạnh tranh không ít

Nhu cầu lao động tăng cao nhưng để có được chỗ làm tốt không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người lao động. Theo các chuyên gia, sự tác động của hội nhập quốc tế và bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ đã có những điều chỉnh nhất định đối với quá trình hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu thay đổi, phát triển.

Đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật, điều chỉnh quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh, tiêu chuẩn về tuyển dụng nhân sự... Do đó, các doanh nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được trang bị nhiều kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi của môi trường làm việc.

Đó là chưa kể hiện nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã tạo ra một không gian thị trường lao động “mở” trở nên sôi động. Lao động được tự do di chuyển, và có nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt lao động có chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ. 

Có 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong khối ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, hành nghề y, điều dưỡng, nha khoa, tư vấn kỹ thuật, khảo sát và du lịch. Các ngành nghề này hiện chiếm đến 38% lao động đang dịch chuyển trong nội khối ASEAN. 

Số liệu chi tiết từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, đến năm 2025, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 12.400 - 13.200 lao động làm việc trong  lĩnh vực y dược - chăm sóc sức khoẻ (chiếm 4%), trong đó, nhân lực qua đào tạo chiếm 94,93%. 

Ngành tư vấn kỹ thuật cần khoảng 52.700 - 56.100 người (chiếm 17%) với nhân lực qua đào tạo chiếm 72,84%. Ngành kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng cần khoảng 12.400 - 13.200 người, trong đó, nhân lực qua đào tạo chiếm 78,45%. Ngành kế toán cần khoảng 9.300 - 9.900 người và nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm 94,77%. 

Ngành khảo sát cần khoảng 3.100 - 3.300 người, trong đó có  75,25% qua đào tạo. Ngành du lịch cần từ 27.000 - 29.700 người và số người qua đào tạo chiếm 47,50%.

Thị trường lao động Việt Nam: Nhiều cơ hội, lắm thách thức - 3

Lao động Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi lao động tay nghề cao từ nước ngoài

Dự báo, các ngành công nghệ kỹ thuật, tự động hoá, khoa học sáng tạo, thiết kế và mỹ thuật ứng dụng cùng quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kinh doanh tài chính, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm kỹ thuật và giáo dục, công nghệ nông - lâm - thủy sản, công nghệ dệt may, văn hóa -nghệ thuật - thể thao… có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, các nhóm ngành này rất chú trọng đến khả năng ứng dụng vào trong thực tiễn. Thêm vào đó, nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này đa số có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt.

Do đó, người lao động bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn còn phải trang bị các kỹ năng làm việc trong quá trình học tập cũng như làm việc để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, có thể cạnh tranh với lao động “nhập ngoại” từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ASEAN.

Hiện nay, làn sóng công nghệ 4.0 đang đặt người lao động trước áp lực bị thay thế. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã chứng kiến nguồn lao động chất lượng cao ngay từ các nước ASEAN vào làm việc ngày càng nhiều.

Do vậy, nếu sinh viên không được trang bị đủ kinh nghiệm, kỹ năng và thái độ làm việc trong môi trường hội nhập thì sẽ có nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Theo Hồng Nga

Doanh nhân Sài Gòn