Nghịch lý:

Việc làm tại Mỹ tăng kỷ lục, Trung Quốc chật vật mục tiêu việc làm

Dù các nhà hoạch định chính sách TQ đã bỏ qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 Bắc Kinh sẽ cần phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 3% năm nay để đạt được mục tiêu khôi phục việc làm.

Việc làm tại Mỹ tăng kỷ lục, Trung Quốc chật vật mục tiêu việc làm - 1

Trung Quốc cần tăng trưởng GDP 3% mới đạt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 6% và tạo ra khoảng 9 triệu việc làm mới mà chính phủ đặt ra

Trong bài phát biểu hồi tháng trước trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bỏ qua tốc độ tăng trưởng GDP mục tiêu cho năm 2020 sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị vùi dập bởi đại dịch Covid-19. “Với nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh sau mức tăng trưởng GDP -6,8% trong 3 tháng đầu năm, chính phủ sẽ tập trung vào mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 6% và tạo ra khoảng 9 triệu việc làm mới”.

Zhu Min, cựu phó giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và là người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh nhận định: Để đạt được mục tiêu ổn định việc làm và thị trường tài chính - đầu tư - kinh doanh như chính phủ kỳ vọng, nền kinh tế Trung Quốc cần tăng trưởng từ 2-3% trong năm nay.

Còn các nhà phân tích từ Ngân hàng Trung Quốc thì cho biết: “Mặc dù chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều đó không có nghĩa là nó không quan trọng. Trên thực tế, mục tiêu tăng trưởng GDP đã được tích hợp vào các mục tiêu chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường lao động…”.

Theo một mô hình được tính toán dựa trên mục tiêu ổn định việc làm, xóa đói giảm nghèo, thâm hụt ngân sách… thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phải đạt khoảng 3-3,5% trong năm 2020 để bắt kịp kỳ vọng của chính phủ.

Các nhà quan sát nhận định chi tiêu cơ sở hạ tầng đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc, nhưng điều này không hỗ trợ nhiều các doanh nghiệp tư nhân nhỏ - đối tượng đóng góp tới 60% GDP quốc gia và tạo ra hơn 80% việc làm trong nền kinh tế vào năm 2019. Thực tế, việc Bắc Kinh tăng chi tiêu các dự án cơ sở hạ tầng chỉ hỗ trợ chủ yếu cho các công ty nhà nước lớn vốn chiếm thị phần lớn trong các ngành công nghiệp xây dựng, công nghiệp nặng.

Do đó, Bắc Kinh đã chủ động đưa ra các đề xuất, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đảm bảo việc sử dụng lao động bao gồm cắt giảm thuế phí, hoãn nợ, giãn nợ…

Hôm 31/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ bắt đầu mua lại khoảng 400 tỷ NDT (56,1 tỷ USD) các khoản vay mà chính phủ địa phương cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ. Phó thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết chương trình này sẽ hỗ trợ các khoản tín dụng không lãi suất cho các ngân hàng nếu 40% khoản tín dụng đó đến tay doanh nghiệp nhỏ.

Dù vậy, Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics khẳng định những doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, giải trí có thể sẽ gặp khó trong phục hồi do tâm lý tiêu dùng thận trọng. “Không dễ để tăng mức tiêu thụ một cách bền vững khi mà người tiêu dùng vẫn đang lo lắng về thu nhập và nguy cơ mất việc”. 

Bên cạnh thị trường lao động, kim ngạch thương mại của Trung Quốc hiện vẫn phục hồi yếu do nhu cầu giảm mạnh tại các thị trường quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn để đối phó với đại dịch Covid-19 hoặc mới chỉ bắt đầu tái mở cửa từng phần trong nền kinh tế.

“Khi các biện pháp hạn chế kiểm dịch bắt đầu được dỡ bỏ trên toàn cầu, sẽ mất một thời gian để các chuỗi cung ứng khởi động trước khi ổn định hoàn toàn. Do đó, nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vẫn sẽ suy yếu trong thời gian tới”, ông Tommy Wu nói thêm.

Trong khi chính phủ Bắc Kinh đang vật lộn với mục tiêu tạo ra 9 triệu việc làm để ổn định thị trường lao động, nước Mỹ của ông Trump vừa báo cáo mức tăng trưởng 2,5 triệu việc làm trong tháng 5 - mức tăng trưởng cao nhất mọi thời đại. Thị trường chứng khoán Mỹ đã leo dốc mạnh mẽ, Dow Jones tăng hơn 800 điểm sau tin tức này.

Theo Thuỳ Dung

DanViet.vn