"Đội sóng" hái rong trên đá nham thạch Rong mứt khá đặc biệt vì chỉ mọc trên đá nham thạch khi thời tiết trở lạnh. Đây cũng là thời điểm biển động dữ dội nên việc hái rong trên gành đá rất nguy hiểm. Chịu rét, "đội sóng" cần mẫn hái rong mứt suốt 4 giờ, những người phụ nữ làng biển Quảng Ngãi có thể kiếm thêm 300 ngàn đồng chi tiêu trong mùa biển động.
Rong mứt là loại rong biển mọc trên đá nham thạch vào mùa biển động. Tầm đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, rau mứt bắt đầu sinh sôi trên những gành đá ven biển Quảng Ngãi. Đó cũng là lúc người dân rủ nhau thu hoạch "lộc trời" kiếm thêm thu nhập.
Rong mứt có màu nâu hoặc vàng nhạt. Cây rong khá nhỏ, mảnh và mềm nên phải khéo léo khi hái. Người hái rong đeo găng tay nhẹ nhàng bứt từng cây rong nhỏ xíu. Rong biển là loại thực phẩm sạch, có thể ăn tươi hoặc phơi khô để chế biến nhiều món ăn tốt cho sức khỏe
Rong mứt chỉ mọc ở khu vực sát mép biển. Sóng đập vào bờ phủ nước biển lên đá nham thạch, cùng với thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để rong mứt phát triển. Chính điều này khiến những người hái rong mứt phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Người hái rong phải luôn hướng mắt về phía biển đề phòng những con sóng lớn ập vào bờ.
Bà Nguyễn Thị Thơ (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) cho biết, rong mứt chỉ xuất hiện vào 2 tháng cuối năm Âm lịch. Muốn hái được nhiều rong phải đi từ lúc sáng sớm, hái đến tầm 10h là nghỉ vì lúc đó rong bắt đầu khô, rất khó hái. Sau 4 giờ cần mẫn hái rong, mỗi người thu được khoảng 1 kg để bán kiếm 300 ngàn đồng. "Đá rất trơn, mình lại ra sát mép biển mới có nhiều rong nên sợ sóng đánh vào rồi cuốn xuống biển. Cách đây mấy hôm đã có người bị rơi xuống biển, may là cứu được", bà Thơ cho biết.
Sau một buổi sáng cần mẫn trên gành biển xã Bình Hải, bà Nguyễn Thị Hai cũng thu hoạch được hơn 1 kg rong mứt. Sau khi làm sạch, bà Hai dự tính có thể bán được hơn 300 ngàn đồng. Theo bà Hai, rong mứt rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển. Rong tươi và khô đều dùng nấu canh, hoặc làm gỏi rất ngon. "Người dân miền biển coi rong mứt là sâm biển. Loại rong này rất hiếm nên nhiều nơi họ phải đặt hàng chúng tôi từ mấy tháng trước. Hái xong mang về nhà là có người đợi để lấy rồi. Nghề này tuy cực nhưng có thêm thu nhập chi tiêu trong thời gian biển động", bà Hai chia sẻ