Ứng dụng bảo vệ trẻ em “Tổng đài 111”:

Thêm một công cụ hiệu quả giám sát, phát hiện hành vi xâm hại trẻ em

(Dân trí) - “Chỉ với chiếc điện thoại hay bất kỳ công cụ tiếp xúc với mạng internet, người dân có thể sử dụng ứng dụng bảo vệ trẻ em “Tổng đài 111” để cung cấp thông tin khẩn cấp đến Tổng đài 111, góp phần tạo ra một hệ thống giám sát khổng lồ, ngăn chặn bất kỳ người nào có ý định xâm hại trẻ em”.

Thêm một công cụ hiệu quả giám sát, phát hiện hành vi xâm hại trẻ em - 1

Các đại biểu và thiếu nhi dự Lễ ra mắt Ứng dụng Bảo vệ trẻ em Tổng đài 111

Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ tại Lễ công bố Ứng dụng Bảo vệ trẻ em “Tổng đài 111” trên 2 nền tảng điện thoại thông dụng IOS và Android.

Chương trình do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp ChildFun Việt Nam, Cục Trẻ em và Microsoft Việt Nam tổ chức chiều 13/12.

Việc công bố Ứng dụng Tổng đài 111 chính là sự hiện thực hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về trẻ em tại hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em diễn ra trước đây.

Theo đó, Việt Nam cần hình thành nhanh nhất mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không chỉ gồm các cơ quan Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội mà cần kết nối mạng lưới cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em.

Thêm một công cụ hiệu quả giám sát, phát hiện hành vi xâm hại trẻ em - 2
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)

“Ứng dụng Tổng đài 111 nhằm thực hiện cơ bản chức năng sử dụng môi trường mạng để bảo vệ trẻ em. Ứng dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin cho Tổng đài làm đầu mối xác minh, xử lý và hỗ trợ can thiệp kịp thời và bảo vệ trẻ em” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia Chidfund Việt Nam cho biết: “Phát triển Ứng dụng “Tổng đài 111” là một trong những bước ngoặt của ChildFun trong công tác hỗ trợ chính phủ và chính quyền cấp cơ sở xây dựng xây dựng và kiện toàn hệ thống thực hành dịch vụ bảo vệ trẻ em hiệu quả”.

Ông Vũ Văn Dũng nói về hiệu quả hoạt động của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111

Ứng dụng được xây dựng nhằm hỗ trợ người dùng có thể dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng báo cáo thông tin về các trường hợp trẻ em đang gặp rủi ro cần hỗ trợ. Với tính năng của ứng dụng, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở và nhân viên quản lý Tổng đài 111 quốc gia cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc quản trị dữ liệu các trường hợp được báo cáo.

Thêm một công cụ hiệu quả giám sát, phát hiện hành vi xâm hại trẻ em - 3
Lễ ra mắt ứng dụng

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, Microsoft hỗ trợ Cục Trẻ em và ChildFund phát triển một hệ thống quản trị thông tin để người dùng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại, nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời. Bên cạnh đó, kho thư viện tài liệu cũng được xây dựng tại đây nhằm giới thiệu các thông tin cơ bản về Quyền trẻ em cùng một số Kỹ năng giáo dục an toàn cho trẻ em.

Người dùng có thể tìm kiếm và cài đặt ứng dụng tại kho App Store đối với hệ điều hành IOS, hoặc Play store với hệ điều hành Android. Các tính năng và cấu hình hiển thị của ứng dụng có thiết kế tương tự trên cả hai nền tảng.

Theo ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em), chương trình sẽ phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện, phổ biến chính sách; Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực hành pháp luật cho người lao động, trẻ em và gia đình. Tuyên truyền về những mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, biểu dương những tấm gương về bảo vệ trẻ em.

“Đặc biệt, chương trình còn tăng cường các chương trình tư vấn, cung cấp kiến thức, giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ em cho gia đình và cộng đồng hướng tới mục tiêu chương trình Vì trẻ em là một diễn đàn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mở rộng kênh phát sóng, đa dạng các hình thức chuyển tải nội dung thông qua các báo điện tử và mạng xã hội để tiếp cận công chúng, trẻ em và những người chăm sóc trẻ. Đẩy mạnh hoạt động xã hội, kết nối trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các cơ quan, đơn vị chức năng và công chúng” - ông Vũ Văn Dũng cho biết.

P.M