Thầy giáo làm trang trại thu 200 triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Đang là giáo viên cấp 3, nhưng với mong muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình, thầy giáo Trịnh Đình Cường đã học hỏi và làm mô hình trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngay từ đầu xã, hỏi thăm thầy giáo Trịnh Đình Cường (SN 1983), ở thôn Đông Thành, xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) thì ai cũng biết. Thầy Cường đang là giáo viên Trường THPT Thọ Xuân 4, huyện Thọ Xuân.
Ngoài nghề chính làm giáo viên, thầy Cường còn có “nghề tay trái” là làm kinh tế trang trại.
Theo chân thầy Cường đi thăm mô hình trang trại của mình. Chỉ tay ra vườn cây ăn trái xanh tốt trước mặt, thầy Cường cho biết, ngày trước khu vực này là cánh đồng lúa.
Từ năm 2015, thầy Cường bắt đầu thầu lại rồi tiến hành cải tạo để làm mô hình trang trại tổng hợp, trong đó cây chủ lực là bưởi da xanh và cam.
Giai đoạn đầu khi số vốn còn ít ỏi, để lấy ngắn nuôi dài, trong vườn cây ăn quả của mình, thầy Cường trồng xen canh ổi lê, mít thái và chăn nuôi gà thả vườn cũng như bò vỗ béo.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, mô hình của thầy Cường còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương từ 4 -5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày.
.Sau 5 năm phát triển, đến nay, toàn bộ diện tích mô hình 2 ha đã được trồng phủ kín các loại cây ăn quả và đã cho thu hoạch 2 vụ. Đến vụ, thương lái thường đến tận vườn thu mua sản phẩm.
Mỗi vụ, sau khi thu hoạch, trừ các chi phí đầu tư, công chăm sóc…, mô hình của thầy Cường mang về thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên năm nay, vườn cây ăn quả của thầy Cường dự kiến thu được khoảng 20 - 23 tấn quả các loại; với giá bán của thị trường như hiện tại có thể mang về 350 triệu đồng.
“Xuất phát từ việc tăng thu nhập cho gia đình; tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương thời kỳ nông nhàn, có thu nhập ổn định hơn, ngoài thời gian giảng dạy ở trường, tôi làm thêm mô hình trang trại này”. Thầy Cường chia sẻ về cơ duyên đến với nghề tay trái của mình.
Ban đầu, mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng với quyết tâm của mình, thầy Cường đã vay ngân hàng, đầu tư gần 300 triệu đồng để phát triển mô hình trang trại. Đồng thời, thầy Cường đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về việc trồng cây có múi.
Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật canh tác, xử lý đất nên thời gian đầu, nhiều cây trồng bị chết. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi gà thả vườn, khi tăng lượng đàn lên đến hàng ngàn con thì thường xuyên mắc bệnh hen suyễn.
Với mong muốn tiết kiệm trong sản xuất và vấn đề an toàn đặt lên hàng đầu nên thầy Cường chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ. Đặc biệt, không dùng thuốc hóa học trong quá trình canh tác, sản xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất của mình, thầy Cường cho biết, phải chăm sóc theo đúng quy trình từ việc chọn giống, vì giống tốt sẽ đưa ra chất lượng tốt và lợi nhuận tốt; chăm sóc đúng thời điểm; luôn cải tạo đất theo hướng hữu cơ…
Để không bị ảnh hưởng nhiều đến thời gian giảng dạy ở trường, sau khi đi học tập kinh nghiệm về, thầy Cường truyền đạt lại cho người lao động làm.
Ông Vũ Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Thầy Cường là một điển hình tiên tiến trong phát triển sản xuất của địa phương. Mô hình sản xuất từ diện tích đất thầu của thầy Cường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vốn là một giáo viên, nhưng về địa phương phát triển kinh tế, chúng tôi đã tạo điều kiện cho thầy Cường thầu đất và làm mô hình với tổng diện tích 2 ha. Trang trại của thầy Cường bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế và tạo công ăn việc làm cho một số lao động của địa phương”.
Cũng theo ông Nam, về lâu dài, nếu muốn mở rộng diện tích trang trại thì phải tích tụ ruộng rất. Về vấn đề này, ông Nam cho biết, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho thầy giáo Cường.
Duy Tuyên