Thấy gì từ thực tế lao động lớn tuổi bị ép nghỉ việc?
Theo nghiên cứu mới nhất của Tổng Liên đoàn lao động, hơn 70% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc tại các khu chế xuất, khu CN.
Đa phần người lao động bị sa thải mềm thường rơi vào đối tượng nam và nữ trên 35 tuổi và làm những công việc giản đơn như gia công hàng may mặc, giày dép, lái xe.
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do sự cân đối lợi ích của doanh nghiệp. Người lao động có thâm niên thì lương cao hơn, thưởng cao, chế độ xã hội, phúc lợi đều hơn hẳn người lao động mới, trong khi đó năng suất làm việc, độ nhanh nhạy lại thua kém đội ngũ trẻ tuổi, vì vậy để tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp buộc phải tiết giảm lao động.
Tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lên danh sách, khuyến khích và hỗ trợ tiền cho công nhân làm việc trên 15 năm nghỉ việc trước tuổi.
Cả nước có hơn 6 triệu lao động từ 18 đến trên 30 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp. Chỉ khoảng trong 10 năm nữa sẽ có khoảng từ 2 - 3 triệu người bị đào thải, phải quay trở về quê nhà hoặc tìm kiếm việc làm khác.
Về phía đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định nhiều chủ sử dụng lao động đã và đang có chủ trương sa thải lao động lớn tuổi với nhiều cách thức khác nhau, cả sa thải "cứng" và sa thải "mềm".
Theo VTV.VN