Thay đổi từ làng nghề chuyên giết chó lớn nhất nhì miền Bắc

Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn, PV Báo GĐ&XH đã “mục sở thị” tại làng chuyên thịt chó lớn nhất miền Bắc và ghi nhận nhiều điểm đổi khác ở đây .

Nghề giết mổ và kinh doanh thịt chó đã đem lại nhiều đổi thay về mặt kinh tế cho người dân làng Cao Hạ. Ảnh: N.Hiếu
Nghề giết mổ và kinh doanh thịt chó đã đem lại nhiều đổi thay về mặt kinh tế cho người dân làng Cao Hạ. Ảnh: N.Hiếu

Nghề một thời hưng thịnh tại làng Cao Xá

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4.170 về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó mèo trên địa bàn. Có mặt tại làng Cao Xá (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một trong những làng giết mổ chó lớn nhất miền Bắc, ghi nhận của PV đến thời điểm hiện tại, số lượng các hộ kinh doanh và giết mổ chó tại đây có chiều hướng giảm rõ rệt.

Trước đó, theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, thời kì hưng thịnh, cả làng Cao Xá có chung một nghề giết mổ thịt chó. Trong làng, ngày nào cũng diễn ra cảnh giết mổ thịt chó nhộn nhịp và việc kinh doanh thịt chó đã thực sự làm thay đổi bộ mặt kinh tế cho nhiều gia đình trong làng.

Ông Nguyễn Hữu Hòa (ở làng Cao Xá) kể lại: “Làng chúng tôi được chia làm 3 khu riêng biệt, đó là Cao Xá Thượng, Cao Xá Trung và Cao Xá Hạ. Khu làm bún và các lò mổ giết thịt chó đều nằm ở khu Cao Xá Hạ. Những năm 90 của thế kỉ trước và đầu năm 2000, làng Cao Xá Hạ có cả trăm hộ kinh doanh giết mổ thịt chó, mỗi ngày đưa ra thị trường Hà Nội hàng tấn thịt chó hơi.

Đây là nơi chuyên cung cấp nguồn hàng cho các khu phố kinh doanh về thịt chó như: Nhật Tân, Mỹ Đình, Phùng Hưng, Trần Bình… Ngày đó, 90% quán thịt chó, các chợ đầu mối về thịt chó ở Thủ đô và vùng lân cận là do người làng Cao Xá Hạ cung cấp”.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Tuất - Trưởng thôn Cao Xá cho hay, nghề giết mổ chó ở đây đã có gần trăm năm nay nhưng bắt đầu thịnh hành từ thập niên 60 của thế kỉ trước. Thời kỳ đó cuộc sống còn khó khăn, dân làng chỉ biết trông chờ vào cây lúa.

Sau khi một số người dân trong làng thoát ly trở về đã mở các lò mổ để kinh doanh giết mổ chó, từ đó nghề giết mổ chó cứ thế phất lên, rồi cả làng cùng nhau làm nghề lúc nào không hay.

Theo ông Tuất, các hộ làm nghề ở làng Cao Xá có kinh nghiệm giết mổ chó cực kỳ chuyên nghiệp. Họ có cả đội thương lái hùng hậu chuyên đi thu mua chó từ Nam ra Bắc. Thậm chí, nhiều người còn sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan thu mua chó. Cả làng giàu lên cũng nhờ nghề giết mổ, buôn bán thịt chó

Từ sáng cho tới tận đêm, không khi nào người dân không nghe tiếng kêu gầm gừ của những con chó bị giết thịt. Đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết ở đây có đến hàng trăm con chó bị giết mỗi ngày.

Tuy nhiên, vài ba năm gần đây, nghề giết mổ thịt chó ở Cao Xá Hạ dần dần “lụi tàn” một cách khó hiểu. “2-3 năm trở lại đây, các chủ lò mổ trong làng không ai dám tự tay giết chó nữa, mà thuê những người lao động ngoại tỉnh từ Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc về làm với giá tiền công khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Sau này, nhà nào làm ăn khá giả, có đủ vốn là họ nghỉ làm và định hướng cho con cái trong gia đình đi làm nghề khác” - ông Tuất cho hay.

Khi người dân đang dần thay đổi ý thức làm nghề

Nhiều lồng chó được nhập về từ nhiều nơi tập kết ngoài cánh đồng thuộc làng Cao Xá Hạ.
Nhiều lồng chó được nhập về từ nhiều nơi tập kết ngoài cánh đồng thuộc làng Cao Xá Hạ.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch UBND xã Đức Giang chia sẻ, hiện nay số hộ làm nghề kinh doanh lò mổ tại làng Cao Xá chỉ còn trên dưới 10 hộ. Nguồn hàng từ miền Nam và đặc biệt các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia dần khan hiếm.

Bởi các nước này đang thực hiện việc nghiêm cấm xuất khẩu động vật sống - nhất là chó - trong khi đây là nguồn cung cấp chính để cho làng nghề giết mổ Cao Xá duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt chó hiện nay không còn lớn như trước nữa. Nhiều hộ làm nghề ở Cao Xá đang dần chuyển đổi sang các công việc khác như kinh doanh các mặt hàng nông sản và quay trở lại nghề làm bún, bánh - vốn cũng là nghề truyền thống xa xưa của làng, hoặc chuyển sang nghề buôn bán khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng - một người hộ dân sống ở thôn Cao Xá Hạ hồ hởi cho biết: “Qua nhiều kênh thông tin báo đài, tôi được biết vừa qua UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo. Tôi và nhiều người dân hoàn toàn nhất trí chủ trương này. Từ lâu, nghề kinh doanh giết mổ chó tại Cao Xá Hạ cũng mang lại những hệ quả về môi trường, sức khỏe cho người dân chúng tôi. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khó kiểm soát được, vì đa phần số lượng chó được nhập về Cao Xá Hạ là từ nơi khác đến. Đó là chưa nói đến vấn đề mất an ninh trật tự từ nạn trộm chó”.

Nhiều năm trở lại đây, người dân Thủ đô đã và đang thay đổi nhận thức về việc kinh doanh giết mổ và thói quen ăn thịt chó. Sự đổi thay của làng nghề giết mổ kinh doanh thịt chó Cao Hạ đang là một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận trong việc xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại hơn trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Hiếu/Báo Gia đình & Xã hội