Làng nghề Phúc Am: Hối hả đón tháng Vu lan

Làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề nổi tiếng với nghề làm vàng mã. Dịp rằm tháng 7, làng "âm phủ" lại tấp nập những chuyến xe về mua hàng. Tuy nhiên, số hộ gia đình sản xuất vàng mã ở Phúc Am không còn nhiều, chủ yếu tập trung vào làm đại lý phân phối.

Chạy đua theo thời đại

Đến làng Phúc Am những ngày đầu tháng 7 âm lịch, cảm nhận rõ không khí hối hả của những chuyến xe về mua vàng mã. Ngay từ cổng làng, đã dày đặc những hộ gia đình sản xuất ngựa cúng tế. Tuy nhiên, người dân Phúc Am cho biết, những năm gần đây lượng vàng mã sản xuất có chiều hướng giảm đi so với mọi năm, nên nhiều gia đình bỏ nghề.

Đến cơ sở sản xuất của bà Thanh Mai - một người gắn bó với nghề làm vàng mã nhiều thập kỷ qua, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay ở nơi đây.

Bà Mai cho biết: "Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã, hàng khó bán hơn hẳn dạo trước. Ở các chùa, sư thầy cũng khuyên người dân không nên mua nhiều vàng mã, mà nên quyên góp quần áo thật để ủng hộ bà con ở những nơi thiên tai, lũ lụt. Chính vì nhu cầu giảm, Phúc Am giờ không có cơ sở sản xuất, chỉ còn một vài hộ làm đại lý nhập hàng ở Bắc Ninh để phân phối".

Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu dịp rằm tháng 7, dịp này làng nghề Phúc Am vẫn tất bật bán mua. Chị Huyền - chủ đại lý phân phối ở Phúc Am cho hay: "Nhu cầu dùng vàng mã ở Hà Nội hiện nay không nhiều, người dân chủ yếu đốt tiền, vàng mã nhỏ. Tuy vậy, mô hình vàng mã lớn như nhà tầng, siêu xe, ngựa, voi... cỡ lớn vẫn được người dân đặt hàng để phục vụ các đền, phủ, miếu".


Đồ mã xếp hàng dày đặc từ cổng làng Phúc Am.

Đồ mã xếp hàng dày đặc từ cổng làng Phúc Am.

Vì lẽ đó, tận mắt chứng kiến những gia đình buôn bán vàng mã ở làng Phúc Am mới thấy nhiều sản phẩm làm ra hợp với xu thế. Bà Mai chia sẻ: "Trước kia, người dân chủ yếu sản xuất các mặt hàng như xe máy số, điện thoại cục gạch... nhưng những năm gần đây chúng tôi bán thêm những sản phẩm hiện đại như điện thoại Iphone, Ipad, xe ga, nhà cao tầng, thậm chí cả chó Bécgiê, Husky theo đơn đặt hàng.

Với tâm lý "trần sao âm vậy" nên con cháu vẫn cố gắng sắm đầy đủ các vật dụng giống như trên trần thế cho người âm".
Nghệ thuật kinh doanh
Trong vai người mua hàng, chúng tôi nhận được nhiều mức chào hàng khác nhau. Quần áo từ 5 - 10 nghìn đồng, phụ kiện như túi xách, đồng hồ từ 15 nghìn đồng. Những khách hàng lạ luôn bị "hét" giá cao, chị Oanh - một người nhập hàng về bán tại Hàng Mã (Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào về Phúc Am người mua đều nhận được lời mời chào với mức giá cao hơn. Dân làm ăn, họ bảo giấy năm nay đắt, trung bình tăng đến 10% do bên Trung Quốc nhập nhiều giấy nên các công ty sản xuất giấy đẩy giá lên".
Đồng thời, do xu thế thị trường, mặt hàng thay đổi về màu sắc, mẫu mã nên chủ cơ sở sản xuất ở Bắc Ninh, phân phối ở Phúc Am lấy lý do tăng giá. Người bán cũng không để lẻ đồng hồ, dép như trước, mà làm thành những hộp trang sức phụ kiện bán riêng.

Ghi nhận ở cửa hàng Trần Oanh (phố Hàng Mã, Hà Nội) có nhiều "combo" như vòng cổ - khuyên tai, đồng hồ - bật lửa zipo - ví da, son môi - lược chải tóc - kem chống nắng, vàng thỏi - vàng lá, mỗi bộ sản phẩm được bán với giá cả trăm ngàn đồng. Thương hiệu như Bitis, Gucci, LuisVuiton... cũng xuất hiện trên các sản phẩm vàng mã.
Tuy nhiên, người dân Phúc Am nói riêng và cả nước nói chung nhận thức rõ việc đốt vàng mã có từ lâu và có ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường. Người dân thường xuyên được nghe tuyên truyền, nhắc nhở hạn chế đốt vàng mã để tiết kiệm, làm đẹp mỹ quan đô thị. Nhờ đó, thói quen đốt vàng mã của người dân đã hạn chế và ngày càng thay đổi theo tư duy "trần sao âm vậy".

Theo Báo Kinh tế đô thị