Thất nghiệp do dịch Covid-19: Cả gia đình đi nhặt ve chai xuyên đêm
(Dân trí) - Gần 1 năm ròng rã đi xin việc nhưng vợ chồng anh Cụa (TPHCM) chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Để mưu sinh, anh Cụa cùng vợ và con nhỏ phải đi nhặt ve chai ngoài đường mỗi đêm.
Thất nghiệp vì dịch Covid-19
Năm 2001, anh Danh Cụa cùng chị Dung kết hôn tại quê nhà Kiên Giang. Thời điểm đó, vợ chồng anh chị sống chủ yếu nhờ vào việc làm ruộng thuê và kéo cá đem ra chợ bán.
"Vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi bàn nhau nhau lên TPHCM để lập nghiệp, kiếm tiền lo cho các con. Vợ chồng tính gửi các con cho cho ông bà ngoại chăm sóc", anh Cụa cho biết.
Năm 2014, vợ chồng anh Cụa rời Kiên Giang lên TPHCM. Hai vợ chồng thuê căn phòng trọ rộng 10m2 ở Gò Vấp để có chỗ "chui ra chui vào" với giá 2 triệu đồng/tháng.
Thời điểm đó, anh Cụa đi vào các công trình xin làm phụ hồ với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Có những tháng nhiều việc thu nhập của anh hơn chục triệu đồng, đủ tiền trang trải chi phí và gửi về quê lo cho các con.
Cùng với đó, chị Dung cũng được nhận vào công ty giày da ở gần chỗ thuê trọ, lương mỗi tháng dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Cuộc sống hai vợ chồng cứ ngỡ sẽ êm đềm trôi qua, ai ngờ dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả.
Vào năm 2020, vợ anh bất ngờ bị bệnh nên xin nghỉ phép vài ngày để dưỡng bệnh. Vợ tôi vừa nghỉ vài ngày thì công ty bất ngờ giải thể. Còn anh cũng không khá hơn, cũng bị thất nghiệp vì không có công trình.
"Cả gia đình đều bị thất nghiệp, vợ chồng tôi cũng không có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt và gửi về cho các con", anh Cụa tâm sự.
Vợ chồng anh Cụa có 5 người con. Do bị mất thu nhập nên việc chăm sóc các con càng trở nên khó khăn hơn. Người con gái đầu mới 15 tuổi đã phải nghỉ học để đi làm thêm phụ ba mẹ kinh phí sinh hoạt.
"Khi dịch ấp tới, tôi và vợ thất nghiệp ở nhà, chỉ có một mình con gái là đi làm nuôi cả gia đình. Lương của cháu, trước dịch thì khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng khi dịch bùng phát thì lương chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Sau khi con gái lãnh lương là vợ tôi lo mua gạo, ăn uống thì kiêng kiêm, không còn đủ tiền gửi về quê như trước", anh Cụa chia sẽ.
Những ngày đầu mới mất việc, anh Cụa gọi điện thoại tất cả đồng nghiệp, các thầu công trình mà mình quen để xem có công trình cần người không. Tuy nhiên, anh Cụa chỉ nhận được những cái lắc đầu khiến anh.
Thời gian gần đây, vì sốt ruột nên anh Cụa xách xe chạy vòng vòng thành phố tìm các công trình để xin việc nhưng cũng không có.
Cùng với đó, anh Cụa không biết chữ nên việc đọc không rành nên không thể nào xin chạy xe ôm công nghệ như những người khác. Mặt khác, anh Cụa không rành đường nên chỉ có thể ngồi chờ công trình để có thể tiếp tục công việc phụ hồ.
Cả nhà "không ngủ" nhặt ve chai giữa đêm
Vào giữa năm 2020, khi vợ chồng anh Cụa thất nghiệp. Cả nhà không còn tiền để trang trải chi phí trong gia đình nên chị Dung đã bàn với chồng là hằng đêm đi nhặt ve chai để bán kiếm tiền đi chợ mua đồ ăn.
"Ban đầu chỉ có vợ chồng tôi đi nhặt ve chai và để đứa con út ở nhà. Tuy vậy, ban đêm dậy con út không thấy ba mẹ nên khóc, làm phiền hàng xóm. Vợ chồng tôi quyết định đưa con đi nhặt ve chai luôn. Cứ mỗi ngày vào 23h gia đình tôi đi nhặt ve chai đến khoảng 3h sáng thì về nhà nghỉ ngơi. Cuối tuần thì sẽ đem số ve chai đã nhặt được ra vựa để bán", anh Cụa cho biết.
Nhờ nhặt ve chai nên gia đình anh Cụa kiếm được khoảng 350.000 đồng/tuần. Số tiền này giúp gia đình anh Cụa mua các nhu yếu phẩm cơ bản như: Gạo, nước mắm, bột ngọt…
Hiện tại gia đình anh đang thiếu 3 tháng tiền phòng trọ. May mắn là bà chủ phòng trọ thông cảm và vẫn cho anh chị ở đến nay.
"Tuy cuộc sống tại TPHCM khó khăn, vất vả nhưng tôi và vợ đều không có ý định về quê vì không biết làm gì. Do vậy, vợ chồng tôi cố bám trụ tại đây để tìm kiếm cơ hội mới", anh Cụa cho biết.
Anh Cụa cho biết thêm, việc nhặt ve chai cũng lắm hên xui. Có ngày vợ chồng anh nhặt được rất nhiều chai lọ, vỏ bia, nhưng cũng ngày đi cả buổi cũng không tìm được thứ gì.
"Bản thân tôi chỉ mong bệnh dịch mau qua đi, để tôi có thể sớm tìm được công việc để lo ăn uống cho các con. Nhiều lúc cả nhà không dám mua gì ăn chỉ có thể mua ít rau xào với mì tôm ăn qua ngày", anh Cụa tâm sự.