Kiến nghị dùng 6.000 tỷ đồng hỗ trợ 1 triệu lao động thất nghiệp học nghề
(Dân trí) - Gói hỗ trợ học nghề trị giá 6.000 tỷ đồng hướng tới người lao động thuộc các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị sử dụng lao động có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ xem xét đề xuất mới về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Theo đó, tổng số lao động được dự kiến hỗ trợ sẽ vào khoảng 1 triệu người. Mức đề xuất hỗ trợ học nghề là 1 triệu đồng/người trong thời gian tối đa 6 tháng. Tổng số kinh phí sẽ vào khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Về điều kiện thực hiện hỗ trợ đào tạo, dự thảo đề xuất kiến nghị việc triển khai thông qua người sử dụng lao động đang quản lý người lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ khi có đủ 4 điều kiện, như: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Theo BHXH VN, đến hết 31/12/2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng. Số người thất nghiệp được trợ cấp đạt khoảng hơn 1 triệu người, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời, doanh nghiệp cần có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ và có phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...
Với điều kiện có báo cáo quyết toán, dự thảo đề xuất nêu rõ, báo cáo quyết toán tài chính phải của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trường hợp người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ trong 3 tháng đầu năm 2021 thì báo cáo quyết toán tài chính của năm 2020 phải phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với năm 2019.
Trong giải trình về căn cứ pháp lý, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh về các điều kiện để được hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được quy định tại Luật Việc làm được đảm bảo, chỉ cắt giảm, điều chỉnh bổ sung quy định về điều kiện hưởng tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.
Dự kiến nếu được thông qua, chính sách hỗ trợ sẽ được áp dụng ngay trong cuối quý 1 hoặc quý 2/2021 và có thể kéo dài 1 năm...
Có tính khả thi cao
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, về tính khả thi, phương án hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có thể tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ hơn so với quy định hiện nay. Qua đó thúc đẩy việc đào tạo, đào tạo lại lao động, đảm bảo duy trì việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp và vẫn đảm bảo.