Thanh Hoá: Truy thu BHXH hơn 1.900 giáo viên mầm non ngoài công lập
(Dân trí) - Hơn 1.900 giáo viên mầm non tại Thanh Hóa được truy thu BHXH. Điều này giúp các giáo viên trên được hưởng quyền lợi về BHXH theo quy định pháp luật và đảm bảo chế độ hưu trí sau này.
Ngày 18/2, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số 583/QD-UBND về việc phê duyệt danh sách truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, liên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã có biên bản tổng hợp kết quả kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng.
Cụ thể, 1.921 người nằm trong danh sách truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó: Giáo viên mầm non là 1.907 người, cán bộ xã là bệnh binh các hạng là 14 người.
Công văn của UBND tỉnh Thanh Hoá cũng nêu rõ, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ tổng hợp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với giáo viên Mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao cho bảo hiểm xã hội thực hiện truy thu và ghi nhận quá trình công tác để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Đây là chủ trương nhằm tạo quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho những người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non liên tục từ tháng 1/1995 đến khi bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, qua đó đảm bảo chế độ hưu trí sau này.
Công văn số 835/BHXH-BT ngày 20/3/2019 về việc truy thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh các hạng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn.
Đối tượng: Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập từ năm 1995 đến khi đã đóng BHXH bắt buộc.
Số tiền truy thu: Số tiền truy thu BHXH tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) mức tiền lương tối thiểu chung, hoặc mức lương cơ sở từng thời kỳ và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH (Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc), cụ thể như sau:
- Thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2006: Bằng 15%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2007 đến tháng 12/2009: Bằng 16%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011: Bằng 18%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 6%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013: Bằng 20%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 7%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2014 đến nay: Bằng 22%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 8%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng...
Duy Tuyên