1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa: Giải thể các trường trung cấp nghề không hiệu quả

(Dân trí) - Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký thông báo kết luận về Đề án sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND các huyện, thị, thành phố. Trong đó có phương án giải thể các trường Trung cấp nghề hoạt động không hiểu quả.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, công tác giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề trên địa bàn cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhằm nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện Quan Hóa hoạt động không hiểu quả
Trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện Quan Hóa hoạt động không hiểu quả

Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các trung tâm trên địa bàn cấp huyện, cho thấy cùng một địa bàn huyện đang tồn tại song song các loại hình trung tâm là: Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy ngề (TTGDTXDN), Trung tâm Dạy nghề (TTDN), Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (chưa tính các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề) đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như cùng nhiệm vụ đào tạo nghề và GDTX, bộ máy cán bộ, giáo viên chỗ thừa, chỗ thiếu, cùng một huyện có nhiều trung tâm dẫn đến đầu tư dàn trải, tốn kém...

Từ đó, việc xây dựng đề án và thực hiện sáp nhập các trung tâm trên là thực sự cần thiết và đúng theo quy định. Để việc xây dựng và triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiểu quả UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu, bổ sung và hoàn chỉnh Đề án báo cáo UBND tỉnh.

UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Đề án, Đề án đã được Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương và quy định tại Thông tư liên tịch số 39/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV về việc hướng dẫn sáp nhập TTDN, TTGDTX, Trung tâm Tổng hợp hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân được đầu tư 30 tỷ đồng nhưng vắng như chùa bà đanh
Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân được đầu tư 30 tỷ đồng nhưng "vắng như chùa bà đanh"

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Đề án cần bổ sung đánh giá cụ thể hơn về thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có của trung tâm theo từng huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó nghiên cứu, bổ sung và nêu rõ nguyên tắc, phương án xử lý các vấn đề về sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên... khi thực hiện sáp nhập trung tâm đối với từng trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để triển khai hoạt động sau khi sáp nhập.

Nghiên cứu, rà soát và đầy đủ chức năng nhiệm vụ của trung tâm sau khi thực hiện sáp nhập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục của nhân dân trên địa bàn huyện; cần nghiên cứu, bổ sung về quy trình, thủ tục, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành của từng trường hợp tổ chức sáp nhập, đổi tên.

Đối với các huyện có các trường Trung cấp nghề công lập gồm: Nga Sơn, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn, Quảng Xương, Thạch Thành, Yên Định, thành phố Thanh Hóa, Tĩnh Gia. Mặc dù Thông tư liên tịch số 39 không quy định việc sáp nhập các trung tâm này vào các trường Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề công lập hiện có trên địa bàn huyện; tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Đề án cần nghiên cứu, xây dựng cụ thể việc sáp nhập các trung tâm theo phương án sau.

Sáp nhập hoặc bổ sung chức năng nhiệm vụ GDTX vào các trường Trung cấp nghề, trường Cao đẳng nghề hoạt động có hiểu quả (đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, đạt kết quả tuyển sinh hàng năm...), đồng thời xây dượng phương án chuyển giao các trường Trung cấp nghề cấp huyện hiện có về Sở LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý theo quy định.

Thanh Hóa sẽ giải thể những trường Trung cấp nghề hoạt động không hiểu quả
Thanh Hóa sẽ giải thể những trường Trung cấp nghề hoạt động không hiểu quả

Giải thể các trường Trung cấp nghề hoạt động không hiểu quả (không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, không đạt chỉ tiêu kết quả tuyển sinh hàng năm...) và sáp nhập với TTGDTX thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX giao UBND huyện trực tiếp quản lý.

Ông Phạm Đăng Quyền cũng giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của từng trường, từng trung tâm, để làm rõ hiểu quả hoạt động và đề xuất phương án sáp nhập cho từng trường hợp cụ thể, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Giao Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội nghị và các nội dung nêu trên để khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án, gửi UBND các huyện, các sở, ngành có liên quan tham gia ý kiến; trên cơ sở đó hoàn chỉnh Đề án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3/2017.

Duy Tuyên