1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa: 565 đơn vị nợ BHXH trên 100 tỷ đồng.

(Dân trí) - Ngành Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa đang rất đau đầu về tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH cho người lao động của hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết ngày 31/12/2015, nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động (NLĐ) tại tỉnh này là 136,6 tỷ đồng.

Trong đó, 565 đơn vị sản xuất kinh doanh nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 100 tỷ đồng. Cá biệt có nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ với số tiền hàng tỷ đồng trong nhiều năm, BHXH đã làm đơn khởi kiện ra tòa nhưng những đơn vị này vẫn chây ì, cố tình không đóng.

Một trong những nguyên nhân khiến các vụ đình công của công nhân là việc nợ đọng BHYT, BHXH
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ đình công của công nhân là việc nợ đọng BHYT, BHXH

Ông Phạm Hoàng Tiến, Phó giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết tình trạng nợ đọng bảo hiểm đang nhức nhối không chỉ ở riêng tỉnh Thanh Hóa mà rất nhiều tỉnh, thành. Do nhiều doanh nghiệp chây ì, cố tình không chịu đóng bảo hiểm cho NLĐ.

“Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp như gửi thông báo, giấy mời hoặc cho người trực tiếp xuống các đơn vị để đôn đốc việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Thậm chí khởi kiện ra tòa nhưng kết quả mang lại cũng không cao. Họ đưa ra vô vàn các lý do để trốn tránh việc tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động” - ông Tiến bức xúc.

Cũng theo ông Tiến, Thanh Hóa đang có trên 7.000 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động. Nhưng chưa tới một nửa trong số đó không tham gia đóng bảo hiểm cho NLĐ trong diện bắt buộc phải đóng. Số này chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã.

Theo ông Lê Bá Toàn, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ - BHXH Thanh Hóa, trong quá trình đi thu nợ cũng có nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. "Chúng tôi đi làm việc chung mà có nhiều đơn vị cứ tưởng chúng tôi thu vào túi mình, họ có những lời lẽ rất khó chịu, thậm chí còn chửi bới, xua đuổi anh em. Có nhiều đơn vị gửi giấy thông báo đóng BHXH lần 1, lần 2 cũng chẳng thấy đâu, khi chúng tôi cử người tới thì đó là một nhà dân bình thường, không có công ty nào cả. Có lần đích thân Phó giám đốc xuống đi thu nợ, một nữ giám đốc còn thách thức khiến chúng tôi” - ông Toàn nói.

Công ty Cổ phần xây dựng HANCORP.2 (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) đang nợ đọng BHXH trên 14,5 tỷ đồng
Công ty Cổ phần xây dựng HANCORP.2 (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) đang nợ đọng BHXH trên 14,5 tỷ đồng

Được biết, trong năm 2015 BHXH tỉnh Thanh Hóa đã khởi kiện ra tòa 73 đơn vị chây ì đóng BHXH, trong đó có 7 đơn vị khởi kiện lần 2, trong số này có Công ty Cổ phần xây dựng HANCORP.2 (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa), nợ trên 14,5 tỷ đồng. Còn nếu tính từ năm 2012 đến nay, đã có 179 đơn vị bị khởi kiện.

Tuy nhiên theo ông Toàn, sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, số tiền mà BHXH thu được cũng rất thấp. “Đến bước đường cùng chúng tôi mới tiến hàng khởi kiện chứ việc đưa nhau ra tòa cũng có nhiều phát sinh, rắc rối.

Đơn cử như muốn khởi kiện được đơn vị nào đó thì phải có xác nhận C05 (mẫu đối chiếu thu nợ của đơn vị với BHXH), nếu không có giấy này thì không có căn cứ để khởi kiện, nên có nhiều đơn vị khi chúng tôi yêu cầu ký xác nhận họ không ký” – ông Toàn nêu quan điểm.

Ông Phạm Hoàng Tiến cho rằng việc chây ì đóng BHXH là do pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng này.

“Chúng tôi cũng biết có nhiều đơn vị làm ăn khó khăn, thua lỗ, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi lại không chịu đóng bảo hiểm cho NLĐ. Dù thanh tra vào cuộc, BHXH báo cáo Chính phủ, Chính phủ ra văn bản yêu cầu lãnh đạo địa phương đôn đốc các đơn vị, nhưng cũng chẳng tiến triển gì. Mấu chốt là do chưa có chế tài đủ sức răn đe” – ông Tiến nhìn nhận.

Ông Tiến cho biết thêm vào ngày 1/7 tới đây khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, nếu cố tình không đóng BHXH sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù thì may ra tình trạng này mới sớm được giải quyết.

Bình Minh

TIN VẮN:

Thông tuyến huyện khám BHYT trong toàn quốc

Tại cuộc họp báo quý 1/2016, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN) cho biết lộ trình của việc thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh, huyện.

Theo Công văn 943/BHXH-CSYT, từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn cả nước. “Công văn 943/BHXH-CSYT dù ban hành ngày 21/3 nhưng có hiệu lực hồi tố cho các đối tượng khám chữa bệnh như trên từ 1/1/2016. Đây là bước bổ sung những hạn chế của quy định trước đây, chỉ cho phép người có thẻ BHYT được đăng ký khám ở các bệnh viện tuyến huyện trong cùng 1 tỉnh” - ông Phạm Lương Sơn nói. Quyết định thông tuyến một mặt thể hiện cụ thể quy định tại khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó, Người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, quy định cũng thể hiện việc cải cách thủ tục hành chính, từng bước giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia chính sách BHYT sâu rộng hơn.

T.H

“Tới năm 2017, chưa tăng mức đóng bảo hiểm y tế”

“Giá dịch vụ y tế cho người có thẻ BHYT tăng, nhưng chi phí lại không tăng khi tham gia thẻ BHYT. Đồng thời, các cơ quan chức năng chưa tính tới việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho người không có thẻ BHYT”.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), trao đổi về tình hình sau 1 tháng thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho người có thẻ BHYT theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y Tế - Tài chính về thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc từ 1/3. Theo đại diện BHXH VN, Chính phủ đã chuẩn bị một nguồn kinh phí để đảm bảo việc chi trả cho việc tăng giá dịch vụ y tế của nhóm bệnh nhân khám BHYT. Ban đầu dự tính khoảng 30 % tổng thể, tuy nhiên việc tính thêm cơ cấu tiền lương thì có thể tăng lên tới 50 %. Được biết, nguồn tài chính trên một phần được tiết kiệm thông qua việc quản lý Quỹ, tạo ra kết dư nhất định khiến các cơ sở khám chữa bệnh có thêm kinh phí và làm giảm được chi phí từ chính người dân khi đi khám bệnh. “Chính vì vậy, ít nhất tới năm 2017, sẽ không có việc tăng mức đóng BHYT cho người đang tham gia dùng thẻ BHYT” - ông Phạm Lương Sơn khẳng định.

L.S

Từ 1/6: Cơ quan BHXH được thanh tra 3 nội dung trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội. Quy định trên nhằm giảm tình trạng nhức nhối về trốn đóng, nợ đóng BHXH thời gian qua.

Nghị định 21/2016/NĐ-CP nêu rõ, chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội tập trung vào 3 nội dung: Đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng. Về đối tượng, Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định công tác thanh tra hướng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng tại VN có liên quan tới hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Về thẩm quyền, Nghị định quy định có 2 cấp được thực hiện thanh tra chuyên ngành, gồm: BHXH VN và cơ quan BHXH cấp tỉnh. Tổng giám đốc BHXH VN có quyền thành lập đoàn thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN giao. Trong phạm vi cơ quan BHXH cấp tỉnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có quyền thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN hoặc được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN giao.

G.H