Thanh Hóa: 3.046 doanh nghiệp nợ hơn 357 tỉ đồng đóng BHXH

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động và các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án đối với những đơn vị, doanh nghiệp “chây ỳ”, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với cơ quan thi hành án để thực thi bản án có hiệu lực...

Đó là một trong những nội dung Chỉ thị của UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường các giải pháp xử lý và hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hàng nghìn doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội

Thời gian gần đây, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN diễn ra ở nhiều DN, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ), tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tính đến ngày 31/3/2017, có 3.046/4.012 DN tham gia BHXH đang nợ hơn 357 tỷ đồng.

Trên địa bàn Thanh Hóa có hàng nghìn doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động
Trên địa bàn Thanh Hóa có hàng nghìn doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động

Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về BHXH còn hạn chế; một số DN luôn tìm cách trốn đóng BHXH nhằm giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận; một số DN gặp khó khăn về thị trường trong nước và thế giới, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, một số DN xây dựng chưa quyết toán công trình.

Để tăng cường các biện pháp xử lý và hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiêm túc quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trong nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...

Đối với Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH. Trong đó tập trung vào các hoạt động đối thoại chính sách với NLĐ, người sử dụng lao động trong các DN. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN sử dụng nhiều lao động trong việc tham gia và thực hiện chính sách BHXH cho NLĐ.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các DN nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài; rà soát, xác định rõ tình trạng của DN và hướng dẫn các DN xây dựng lộ trình trả nợ cụ thể để giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ; xử lý nghiêm đối với các DN cố tình trống đóng, nợ đóng BHXH...

Khởi kiện những đơn vị "chây ỳ", nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao BHXH tỉnh chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu DN tham gia đóng BHXH, BHTN đầy đủ cho NLĐ. Công khai các thông tin thu nộp BHXH cho cá nhân NLĐ và thực hiện việc trả sổ BHXH kịp thời cho NLĐ theo quy định của pháp luật.

Đây cũng là đơn vị thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các DN. Hàng quý thống kê danh sách DN và số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN gửi về Sở LĐ-TB&XH để tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp giải quyết kịp thời chế độ cho NLĐ trong các DN khó khăn đã có lộ trình trả nợ cụ thể.

Các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Đồng thời, BHXH tỉnh cần chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức công đoàn trong DN lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án đối với những đơn vị, DN "chây ỳ", nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với cơ quan thi hành án để thực thi bản án có hiệu lực. Tổng hợp báo cáo tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN và đề xuất biện pháp giải quyết đối với NLĐ trong các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn thu hẹp sản xuất, nguy cơ phá sản, ngừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn.

Đối với các DN đăng ký thành lập mới, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản và DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải cung cấp cho Sở LĐ-TB&XH, BHXH để hướng dẫn DN thực hiện các quy định pháp luật lao động.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN...cũng như thanh kiểm tra, tháo gỡ, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho NLĐ...

Duy Tuyên

Tin liên quan:

Bổ sung 6 đối tượng tham gia BHYT mới

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ 1/7, 6 đối tượng mới sẽ được bổ sung tham gia BHYT. Cụ thể bao gồm các đối tượng sau: Thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND đang học tập tại các trường trong và ngoài CAND hưởng sinh hoạt phí từ NSNN; thân nhân của người làm công tác cơ yếu (không bao gồm đối tượng do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế), ngành, địa phương; Sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường CAND được cấp học bổng từ NSNN; học sinh trường văn hóa CAND; Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ (trừ Bộ Quốc phòng), ngành, địa phương; Đối tượng do người lao động, Công an đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế.

H.M

Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở một nơi cố định?

Bạn Lê Kim Hoa hỏi: Em làm việc và sống ở Nha Trang nhưng bây giờ chuyển về sống ở TP. Hồ Chí Minh, vậy em có thể đem sổ bảo hiểm xã hội và quyết định thôi việc của em về TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp ở bất kì Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên.

D.B