1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Thăng trầm đời "phu gánh dưa" trên vùng chảo lửa

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Giữa cánh nắng chói chang, hàng chục người đàn ông đang ì ạch bốc dưa lên xe. Cuộc đời sương gió, "ăn bờ, ngủ bụi", mưu sinh bằng nghề gánh dưa hấu thuê chỉ có chút tiền gửi về nhà.

Từ đầu tháng 3 - 5, vựa dưa hấu tại các huyện Đông Nam của Gia Lai vào vụ thu hoạch rầm rộ. Lúc này, hàng trăm nhân công từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lại lũ lượt, "tay sọt" kéo về để xin làm "phu dưa". Hành trang của họ chỉ có chiếc xe máy, cái võng và đôi sọt chở sau xe.

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 1
Những nhân công từ các tỉnh đồng bằng đổ xô lên Gia Lai để mưu sinh bằng nghề gánh dưa.

Có mặt tại một cánh đồng dưa hấu hàng chục hecta tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, PV quan sát thấy những người đàn ông có dáng người khắc khổ đang hì hục gánh dưa rồi bốc lên xe. Mỗi gánh dưa nặng đến cả 70 - 80kg đè lên đôi vai, bước chân cũng in hằn xuống lòng đất đỏ bazan.

Anh Đoàn Văn Tiến (39 tuổi, quê huyện Tuy An, Phú Yên) đã sống bằng nghề "phu dưa" được hơn 4 năm.

Khi mùa dưa về, anh Tiến cùng những người đàn ông trong xóm lại rủ nhau lên các huyện Krông Pa, Ayun Pa của Gia Lai để gánh dưa thuê. Mỗi lần đi, nhóm có khoảng từ 5 - 7 người nối đuôi nhau và di chuyển bằng xe máy. Điểm dễ nhận biết của người "phu dưa" là phía sau xe chở đôi sọt.

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 2
Tuy công việc vất vả, nặng nhọc nhưng mỗi ngày họ cũng kiếm được hàng trăm nghìn đồng.

Anh Tiến bộc bạch: "Trước tết, tôi đã đi gánh thuê ở các huyện của Đăk Lăk. Chỉ gần 2 tháng lang thang đi gánh dưa cũng kiếm được cả chục triệu đồng về sắm tết. Sau tết, anh em chúng tôi kéo lên Gia Lai được hơn 10 ngày. Năm nay giá dưa tăng đột biến khiến giá công thuê cũng tăng lên nhiều. Mới lên đây 10 ngày, tôi đã kiếm được gần 4 triệu đồng".

Hôm nay, nhóm anh Tiến kết hợp với nhóm khác được 14 người để nhận khoán bốc hơn 30 sào dưa tại xã Chư Drăng, Krông Pa, Gia Lai. Với mỗi sào rộng 500m2, nhóm anh Tiến sẽ được trả 350.000 đồng.

Công việc bắt đầu từ 17h đến 12h đêm. Vì diện tích rộng khiến nhóm "phu dưa" phải căng mình làm việc. Đến 21h nhưng rộng dưa mới bốc xong một nửa. Lúc này, mọi người đã dừng tay nghỉ uống nước và ăn cục xôi nguội đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, mọi người tiếp tục bắt tay vào công việc.

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 3
Phụ nữ hay những người chưa quen việc được sắp xếp cho đi cắt dưa và sắp dưa lên xe.

Khi bóng tối bao trùm, những người đàn ông phải dùng đèn pin đội đầu để soi đường làm việc. Thỉnh thoảng, vài người vấp ngã, dưa vương vãi, song mọi việc đều được làm khẩn trương.

Anh La Lang Vắng (40 tuổi, quê ở Đồng Xuân, Phú Yên) giải thích rằng: "Do ban ngày trời nắng nóng cắt dưa sẽ nhanh héo, dễ bị thối, nên phải đợi đến chiều mát, cắt xong phải gánh bốc lên ôtô tải trong đêm.

Có những ruộng lớn phải gánh suốt đêm đến sáng. Tùy theo khoảng cách từ ruộng ra bãi đậu xe mà tiền công có giá 300.000 - 500.000 đồng/sào. Trung bình mỗi người làm năng suất cũng gánh khoảng 2 - 3 sào mỗi ngày và thu về khoảng 500 - 700 nghìn đồng".

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 4
Năm nay giá dưa tăng khiến cho giá thuê nhân công cũng được tăng lên. Lượng nhân công đổ làm cũng đông hơn.

Ông Nguyễn Thanh Phúc (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) được xem như "ông bầu" của "phu dưa". Vì có kinh nghiệm hơn 20 năm gánh dưa thuê nên ông Phúc thường liên hệ với các chủ để nhận khoán.

Sau đó, ông kêu các "phu dưa" đến gánh. Những người gánh dưa được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm sẽ đến từng huyện theo sự nhận khoán trước. Tùy diện tích và yêu cầu của chủ vườn để điều động lượng nhân công đến thích hợp.

Theo ông Phúc: "Gánh dưa thuê là một nghề rất đặc thù, bởi thường xuyên phải làm việc về đêm, còn ban ngày ngủ để lấy lại sức. Vì vậy mà những người gánh dưa đặt cho nó cái tên là nghề "ngày ngủ, cày đêm". Năm nay dưa được mùa nên chủ vườn cũng rộng rãi tăng giá cao cho anh em. Bữa gánh ít, anh em cũng được 300 nghìn đồng, bữa nhiều hơn cả triệu đồng".

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 5
Những "phu dưa" lang thang trên cánh đồng dưa để tìm việc làm.

Gần 1h sáng, nhóm của anh Tiến đã gánh xong gần 30 sào dưa hấu. Nhìn ai cũng bơ phờ, ê ẩm. Trên đôi gánh đã in sâu dấu vết cũng những gánh dưa nặng, nhiều người mới đi làm đều bị bầm tím phải chườm đá mấy ngày.

Sau ngày làm việc vất vả, những người đàn ông lại tranh thủ chút thời gian ít ỏi để nghỉ ngơi trong những vườn cây bên đường. Họ gọi đây là những "nhà trọ ngàn sao" của cánh "phu dưa". Họ dùng những chiếc võng đã chuẩn bị trước rồi mắc lên cây nằm nghỉ ngơi. Vì không có nhà nên họ chỉ ăn cơm hộp. Vào những vùng khó khăn thì chỉ dùng nồi pha mì tôm ăn rồi đánh một giấc đến sáng.

Thăng trầm đời phu gánh dưa trên vùng chảo lửa - 6
Nghề gánh dưa đều bắt đầu từ chiều muộn và kéo dài đến nữa đêm.

Ông Nguyễn Văn Trọng (46 tuổi, chủ vườn Chư Drăng, huyện Krông Pa) cho biết: "Những năm trước, giá dưa thấp nên việc tìm nhân công khó khăn. Nhiều nhà vườn không tìm được người gánh dưa, đành bỏ ruộng hoặc thuê lao động địa phương với giá cao. Tuy nhiên, sau Coivd -19, giá dưa tăng nên giá khoán gánh dưa cũng cao hơn các năm trước".

Trung bình, mỗi sào ông thuê khoảng 300.000 - 400.000 đồng, tùy thuộc địa hình và sản lượng. Nhờ vậy, lao động gánh dưa cũng dễ tìm hơn các năm trước. Trước khi thu hoạch, mỗi ngày có 4-5 cuộc gọi đến hỏi có cần thuê người cắt dưa không. Thậm chí có vài nhóm vào tận vườn muốn nhận gánh thuê.

Hàng chục năm qua, bà con từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định… đổ xô lên những huyện Đông Nam (thuộc tỉnh Gia Lai) thuê đất trồng dưa hấu. Năm vừa qua, giá dưa hấu tăng mạnh càng khiến cho người dân đua nhau trồng dưa.

Toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng gần 1.500 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, và Kông Chro. Nắm được nhu cầu, mỗi năm đều có hàng trăm lượt người đổ xô lên các huyện Đông Nam để xin làm "phu dưa".