1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tháng đầu tăng lương mà thu nhập... giảm nửa vì "không được tăng ca"

Xuân Hinh

(Dân trí) - Gần hai tháng nay, chị Dung - công nhân ở quận Bình Tân chỉ tăng ca chưa đầy 10 giờ, thu nhập giảm gần một nửa so với những tháng trước.

Mùa "trũng" đơn hàng, mùa "kẹt" lương

Tháng đầu tăng lương mà thu nhập... giảm nửa vì không được tăng ca - 1

Nhiều doanh nghiệp phải tạm cắt, giảm tăng ca vì thiếu đơn hàng (Ảnh: Hải Long).

Sau những tháng đầu năm tăng ca liên tục với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Hoa Dung (công nhân may tại TPHCM, 35 tuổi, quê Thái Bình) tiết kiệm được 12 triệu đồng để chuẩn bị cho con gái vào lớp 1. Số tiền này chị Dung giấu tận đáy tủ quần áo, dự kiến tháng 9 mới lấy ra chi tiêu nhưng tháng này, chị đã phải "moi" ra 4 triệu đồng.

"Tiền lương cứng chỉ đủ để mẹ con ăn sáng và trả tiền thuê trọ thôi, tiền lương tăng ca để tích lũy và lo các việc chính cho gia đình. Thế nhưng, hai tháng nay gần như không tăng ca, chịu sao nổi, tiền đâu mà ăn. Người ta có chồng phụ giúp nuôi con, tôi là mẹ đơn thân nên phải tự lo chứ có xin ai được", chị Dung bộc bạch.

Theo chị Dung, việc công ty tạm ngưng tăng ca do thiếu đơn hàng. Thường những tháng "giáp hạt", thiếu đơn hàng nghiêm trọng, công nhân có thể nghỉ việc hưởng lương hoặc không. Công ty vẫn trả lương, phụ cấp đều cho công nhân và hứa hẹn "có đơn hàng mới sẽ thông báo để công nhân đăng ký tăng ca".

Tháng đầu tăng lương mà thu nhập... giảm nửa vì không được tăng ca - 2

Ngành may mặc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và chiến sự leo thang (Ảnh: Hữu Khoa).

"Tháng 8 này công ty thông báo công nhân được tăng lương, con số cụ thể tôi không nhớ, 300.000 đồng hay sao đó nhưng chưa nhận vì 15 hàng tháng mới có lương. Nhưng tôi biết chắc, tháng đầu nhận mức lương mới mà thu nhập sẽ chỉ bằng nửa mấy tháng trước vì không được tăng ca", cô công nhân quê lúa than thở.

Chị V.T.D, công nhân may ở Đồng Nai cũng cho biết, do đang thời điểm "trũng" trong năm, công ty nào cũng thiếu đơn hàng, hầu hết công nhân chỉ làm cầm chừng với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Hai tháng qua, nhiều công nhân quá khó khăn đã phải nghỉ việc, đi làm phụ hồ, bán hàng online.

Tại Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức, nhiều công ty cũng đã áp dụng hình thức chỉ làm đủ 48 giờ mỗi tuần, không còn tăng ca như trước. Nhiều công ty áp dụng chế độ hai ca ngày, đêm, thời gian 12 tiếng nên công nhân chỉ đi làm 4 ngày mỗi tuần, sau đó nghỉ 3 ngày, thu nhập giảm gần một nửa.

Thậm chí, ở một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, nhiều công nhân đã được thông báo nằm trong diện cắt giảm lao động do công ty không bán được sản phẩm, hàng tồn kho nhiều. Trước tình trạng trên, một số công nhân đã chủ động nghỉ việc, một số cố gắng ngày làm 8 tiếng/ngày để bám trụ đến ngày thương lượng chấm dứt hợp đồng, mong được một khoản bồi thường.

"Không còn làm thêm nên thu nhập tháng này giảm 30% - 40%, tính ra tháng này tôi chỉ nhận khoảng hơn triệu đồng", một công nhân ở Khu công nghệ cao buồn bã nói.

Tháng đầu tăng lương mà thu nhập... giảm nửa vì không được tăng ca - 3

Thu nhập giảm sâu, nhiều công nhân chuyển qua làm các công việc tự do (ảnh: Hữu Khoa).

Năn nỉ công nhân nghỉ phép

Theo báo cáo, tỉnh Đồng Nai có hơn 700.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp nhưng khá nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng (khoảng 30%). Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, khoảng 30%-50% doanh nghiệp trên địa bàn cũng phải giảm công suất vì thiếu đơn hàng.

Tại Công ty TNHH Pousung Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hơn 4.000 lao động đã được cho nghỉ chờ việc hưởng lương 100%. Là đơn vị chuyên sản xuất giày da xuất khẩu sang thị trường Nga và Ukraine nên công ty bị ảnh hưởng nặng nề.

Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng đã thông báo đến toàn thể người lao động sắp xếp nghỉ phép năm trong tháng 8. Nếu lao động đã nghỉ hết phép năm 2022 thì có thể ứng trước phép năm 2023 hoặc nghỉ không lương nhưng vẫn được chấm điểm chuyên cần, tiền trợ cấp chuyên cần không thay đổi.

Tháng đầu tăng lương mà thu nhập... giảm nửa vì không được tăng ca - 4

Không ít doanh nghiệp phải "năn nỉ" công nhân nghỉ phép năm để giảm bớt chi phí (Ảnh: Hữu Khoa).

Một doanh nghiệp ở KCN Tân Thuận, TPHCM với khoảng 1.300 công nhân cũng cho biết hơn 2 tháng nay công ty "không tăng ca". Công ty vẫn đảm bảo lương, phụ cấp đầy đủ cho người lao động. Hiện, công ty đang gặp khó về đơn hàng nên tuần này công ty cho công nhân nghỉ 2 ngày, tuần sau nghỉ 3 ngày, còn thời gian tới "tùy vào tình hình".

"Mình phải năn nỉ công nhân để họ nghỉ phép nhưng họ có nghỉ đâu. Họ muốn tăng ca, muốn kiếm tiền nuôi gia đình. Họ đâu có tiền nhàn rỗi để đi du lịch mà nghỉ phép năm cả chục ngày. Họ đi làm còn đỡ được 2 bữa ăn chứ ở nhà lại phải tốn thêm chi phí. Khó vẹn toàn vào lúc này lắm", ông N.H.Đ - Giám đốc một doanh nghiệp ở KCN Tân Thuận tâm sự.

Vừa qua, chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) nhận định, sức mua của các ngành may mặc, gỗ, thép, điện tử sẽ gặp khó do ảnh hưởng từ thị trường châu Âu, Mỹ. Nhiều nhà máy đang bị tồn kho, hàng sản xuất ra dù giảm giá nhưng vẫn không có người mua.

Cùng với đó, tình hình chiến sự căng thẳng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang dần "thấm" khiến các doanh nghiệp gặp khó. Do vậy, thời điểm này tình hình việc làm sẽ khá căng thẳng, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động nhưng lại dừng tuyển dụng.

Để giải quyết tình hình trước mắt, các doanh nghiệp sẽ giảm tăng ca, cho nghỉ phép năm để giảm bớt chi phí. Tuy vậy, việc chỉ làm 8 tiếng và ăn lương cơ bản sẽ khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.