Tham nhũng và lương công chức

Hai lĩnh vực có “vấn đề” tham nhũng được điểm mặt chỉ tên công khai là Giao thông và Cấp nước trong Hội nghị "Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam" tổ chức sáng (20.1.2016) vừa qua. “Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhận được nhiều khiếu nại nhất liên quan đến tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và cấp nước”.

Tham nhũng và lương công chức - 1

Nói đơn gian dễ hiểu là trên 200 quốc gia/vùng lãnh thổ thì Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ về mức độ tham nhũng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Theo đó, từ ngày 1-1-2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Cụ thể, mức lương tối thiểu các vùng như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Đây là tín hiệu vui đối với người lao động trông điều kiện khó khăn, và cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng để đảm bảo thu nhập của người lao động tiến sát với nhu cầu chi tiêu để sống tối thiểu của người dân, vừa tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Mức tối thiểu này danh cho lao động chưa qua đào tạo ở các khu vực doanh nghiệp khác nhau, chưa tính thêm phụ cấp và tăng giờ làm.

Ở một khía cạnh khác, lương của cán bộ, nhân viên các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập lại được tính theo hệ số (lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp ở cấp bậc) khác. Theo đó mức lương sẽ là hệ số lương x lương cơ bản (năm 2015 là : 1.150.000đồng). Cụ thể, một sinh viên tốt nghiệp trung cấp ra trường lương được tính bằng cách: 1,86 x 1.150.000 = 2.139.000đ, tương tự với bậc Cao đẳng: 2,1 x 1.150.000 = 2.415.000đ và bậc Đại học: 2,34 x 1.150.000 = 2.691.000đ. Mức tính trên chưa tính phụ cấp, và được áp dụng chung cho toàn quốc.

Tại sao lại có cách tính tiền lương vênh nhau như vậy giữa các khu vực công và doanh nghiệp? Trước đó, Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nói về đề xuất tiếp tục không tăng lương vào năm tới "Vấn đề là ngân sách, ngân sách không có, trong khi ta liên tục nói thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ máy, nhưng cho đến nay bộ máy của ta vẫn chưa cải cách, tinh giản được gọn nhẹ và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề.

Người ta vẫn đang nói một bộ phận cán bộ viên chức năng suất làm việc thấp, chất lượng công việc không tốt… thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương?"và "Điều chỉnh lương cơ sở bây giờ trong khi ngân sách không cân đối được, thì một là phải tăng nợ công lên, hai là phải vay để cải cách tiền lương. Nếu thế mà xử lý đồng tiền không hợp lý, để lượng tiền trong lưu thông lớn lên thì giá cả lại tăng lên, và như thế tăng lương để giải quyết vấn đề gì?".

Như vậy, không tăng lương do không có tiền bất kể công chức sống ra sao và làm việc, cống hiến thế nào đi nữa! Tuy nhiên, cuối cùng lương cơ bản công chức cũng tăng được chút ít (từ 1.150.000đồng lên 1.210.000đồng).

Nhưng, tại sao lương lao động đã qua đào tạo lại thấp hơn lao động chưa qua đào tạo? Chả lẽ lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp khó khăn hơn hay sao? Nhưng liệu có thực sự khó khăn hơn khi vừa có thể đi làm trong khi không mất thời gian học (doanh nghiệp sử dụng đã đào tạo ), trong khi một sinh viên ra trường đã tốn chi phí học tập, tốn thời gian học?.

Không phải ganh tị với người lao động ở các khu công nghiệp, nhưng thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần đảm bảo mức lương của người dân ở mỗi khu vực tương đương nhau hơn. Muốn có tiền tăng lương, cần Chính phủ chi tiêu hợp lý hơn ở những Tập đoàn lớn tiêu tốn tiền ngân sách mà hiệu quả thấp, chưa nói tham nhũng và lãng phí.

Và phải chăng, từ đó một nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu, tham nhũng (nhấn mạnh là tham nhũng vặt) trong hàng ngũ công chức hành chính, bởi thấy mình bỏ thời gian công sức học một nghề nghiệp lại thiệt hơn khi được tuyển dụng, vì thế tìm cách sách nhiễu người dân để bù đắp chi phí bỏ ra(?).

Theo Nguyễn Minh Thanh (Bình Chánh TP.HCM)/Báo Lao động