"Thạc sĩ nông dân" ở Cà Mau thu bạc tỷ nhờ ươm cây giống và nuôi cá rô đồng
(Dân trí) - Thạc sĩ Trương Trọng Nguyễn xuất thân từ một nông dân chính hiệu. Hơn 10 năm qua anh vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Mô hình nuôi trồng của anh mang lại doanh thu hơn một tỷ đồng/năm.
Anh Trương Trọng Nguyễn đang phát triển mô hình ươm giống cây keo lai kết hợp nuôi cá rô trên phần đất gia đình thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Đây là địa bàn giáp ranh với huyện U Minh, thuộc lâm phần rừng U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau.
Anh Nguyễn sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành lâm học năm 2017, hiện công tác tại Phòng Kỹ thuật Quản lý Bảo vệ rừng thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau).
"Khi tốt nghiệp lớp 12 xong thì gia đình không có điều kiện để tôi tiếp tục học lên đại học. Xuất thân là nông dân, từ nhỏ sống trong vùng đệm rừng U Minh Hạ, tôi mưu sinh bằng nhiều nghề như: Giăng lưới, cắm câu, bắt chuột đồng, lấy mật ong... bán kiếm tiền phụ giúp gia đình", anh Nguyễn tâm sự.
Cũng theo anh Nguyễn, từ sự động viên, ủng hộ của gia đình, những cơ cực chốn ruộng đồng không làm nguôi đi ý chí tiếp tục học tập của anh.
Nhiều năm sau, anh vừa làm nông, vừa đăng ký học đại học hệ đào tạo từ xa. Có tấm bằng đại học, anh xin vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ từ năm 2007.
Đến năm 2015, nhận thấy đủ điều kiện học tiếp, anh nỗ lực thi đầu vào chuyên ngành thạc sĩ lâm học hệ vừa học vừa làm và tốt nghiệp sau hơn 2 năm học tập. Có bằng cấp chuyên môn, công việc ổn định, anh Nguyễn quyết định dùng những kiến thức học được để gầy dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình gắn với lâm - nông nghiệp.
Hơn 1 năm nay, anh sử dụng khoảng 2ha diện tích đất ruộng, vườn của gia đình để ươm giống cây keo lai theo hình thức giâm hom. Gia đình đã thuê khoảng 10 lao động địa phương để chăm sóc, duy trì vườn. Thêm vào đó, anh Nguyễn đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, giúp tiết kiệm lao động, tiết kiệm nước.
Công đoạn chuẩn bị túi đất phân ươm giống hom keo lai.
"Quy trình giâm hom keo lai từ đầu đến lúc thành phẩm kéo dài khoảng 2 tháng. Một số công đoạn chính như: Cắt tỉa hom từ cây keo lai mẹ, phân loại và giâm cấy hom vào túi đất, bón phân, tưới nước, theo dõi điều kiện sinh trưởng, tỉa thưa... Qua nhiều năm kinh nghiệm nên chúng tôi có thể làm tốt và thành thạo tất cả các khâu, sao cho ra sản phẩm cây giống ưng ý, khỏe mạnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Cà Mau", anh Nguyễn chia sẻ.
Với quy mô sản xuất của gia đình, mỗi năm anh Nguyễn xuất bán khoảng 1 triệu cây giống keo lai (giá 1.300 đồng/cây), thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Đây là số tiền thu nhập đáng mơ ước mà nhiều năm trước anh Nguyễn "nằm mơ cũng không thấy" - theo cách nói của anh.
Ngoài ra, anh Nguyễn cũng tận dụng khoảng 1.000m2 đất vườn của gia đình đào ao nuôi cá rô.
Mỗi vụ nuôi thường kéo dài khoảng 3 tháng sẽ xuất bán trên 1 tấn cá với giá trên dưới 40.000 đồng/kg, tạo nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Cũng theo chia sẻ của anh Nguyễn, cá rô vốn là loài cá nước ngọt rất phù hợp để sinh trưởng trong môi trường tự nhiên ở Cà Mau. Việc đào ao nuôi cá rô trên đất vườn là rất dễ thực hiện, thu lãi nhanh và ít rủi ro.
Có thu nhập ổn định từ việc tận dụng đất vườn để nuôi cá, ươm cây giống, "thạc sĩ nông dân" dần có của ăn, của để. Trong tương lai, anh tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình sản xuất.
"Ở vùng đất chua phèn xứ U Minh Hạ, những người ươm cây giống keo lai khá ít, vì thế sản phẩm làm ra của gia đình thường không đủ cung ứng cho nông dân trong tỉnh. Trước thực tế này, tôi thường chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, phát triển nghề trồng keo lai vốn có nhiều triển vọng tại địa phương", anh Nguyễn tâm sự.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đánh giá mô hình sản xuất của gia đình anh Trương Trọng Nguyễn có tính bền vững, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Đây là hướng làm ăn hiệu quả trên đất lâm phần, bà con nông dân nên nghiên cứu, học tập.