Tết Hàn thực: Dậy từ 3h sáng tất bật làm bánh trôi thu về tiền triệu
(Dân trí) - Thức dậy từ 3h sáng để làm việc, nhưng nhiều người làm nghề làm bánh trôi ở Hà Nội phấn khởi khi lượng khách hàng tăng gấp 5 -10 lần ngày thường.
Khách tăng gấp nhiều lần
Trao đổi với PV về công việc chuẩn bị cho dịp Tết Hàn thực (3/3 âm lịch), chị Lê Thị Kim Nhung trú tại Hai Bà Trưng, (Hà Nội) cho biết đã thức dậy từ 3h sáng để làm bánh trôi bán phục vụ khách hàng.
Chị Lê Thị Kim Nhung chia sẻ: "Những năm gần đây, lượng khách hàng tăng mạnh, trung bình, lượng bánh tôi bán ra tăng từ 10 -15 lần ngày thường. Bánh trôi được bán từ 10 - 20 nghìn đồng/đĩa, trừ chi phí nguyên liệu, những ngày này có thể thu được hơn 2 triệu đồng".
Gần 30 năm trong nghề làm bánh, chị Lê Thị Kim Nhung cho rằng, để có thể làm kịp hàng bán trong ngày này, nguyên liệu phải được chuẩn bị trước 2 hôm. Từng công đoạn lựa chọn nguyên liệu phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo chị Lê Thị Kim Nhung, khách bắt đầu mua nhiều từ chiều ngày 2/3 âm lịch. Những ngày này, chị làm việc hết công suất, sắp xếp thời gian một cách hợp lý nhất để làm đủ hàng trả khách.
Tất bật với việc làm bánh từ 4h sáng, bà Lê Thị Thịnh trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Hôm nay, tôi phải huy động hết con cháu làm việc từ 4h sáng. Những ngày này, nhà tôi phải cần 15 người mới có thể làm hết hơn 100kg bột để bán".
Hơn 70 tuổi nhưng bà Lê Thị Thịnh đã có 55 năm làm nghề. Ngoài việc làm bánh bán lẻ, bà có hàng chục khách buôn đặt hàng từ trước nửa tháng. Bán hết hơn 100 kg bánh, bà có thể thu lời khoảng 5 triệu đồng.
Những ngày thường bà, làm theo đơn đặt hàng của khách quen, thu nhập cũng được vài trăm nghìn đồng.
"Tuy dậy sớm vất vả nhưng mọi người trong gia đình đều rất vui vẻ vì khách hàng rất đông. Mới 8h sáng nhưng nhà tôi đã có khoảng hơn 100 khách hàng" - Bà Lê Thị Thịnh cho biết.
Với kinh nghiệm hơn 55 năm làm nghề, bà Lê Thị Thịnh cho rằng, để bánh có màu sắc bắt mắt, dẻo và không nát, khâu lựa chọn nguyên liệu, vo gạo, tỷ lệ trộn bột và canh lửa khi luộc đều rất quan trọng. Những người vội vàng sẽ không thể làm được công việc này.
Thu nhập cao
Không chỉ có những người làm nghề lâu năm, chị Nguyễn Thị Toàn, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội chỉ làm bánh bán những ngày Lễ, mồng 1, rằm. Chị cho biết: "Ngày thường tôi làm nghề bán gạo. Những ngày lễ như 3/3, tôi cùng chị em trong nhà làm bánh trôi bán phục vụ khách hàng".
Làm bánh bán không phải công việc chính, nhưng đem lại cho chị thu nhập khá. Để có thể làm kịp hàng phục vụ khách hàng, chị phải huy động 2 người em gái làm việc từ 3h sáng, trừ chi phí, mỗi người có thể thu về khoảng 1 triệu đồng.
"Bánh này, quan trọng nhất là khâu lựa chọn gạo. Loại gạo nếp ngon được tôi lựa chọn từ những vùng như Nam Định, Thái Bình. Chi phí cho những nguyên liệu này cao nhưng đổi lại sẽ có nhiều khách hàng" - chị Nguyễn Thị Toàn thông tin.
Cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc làm bánh bán, bà Lê Thị Lường, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) bày hàng bán từ gần 7h sáng. Để có đủ hàng bán trong ngày, bà cùng chồng đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ tối hôm trước.
"Tối qua, tôi chuẩn bị nguyên liệu để sáng dậy thật sớm để làm bánh bán. Ngày thường tôi bán xôi, nhưng ngày lễ như 3/3 chuyển sang bán bánh thu nhập sẽ cao hơn. Nếu hôm nay bán hết hàng, tôi có thể thu lời gần 1 triệu đồng" - bà Lê Thị Lường cho biết.
Theo bà, để có nhiều khách hàng, ngoài bánh ngon thì cần phải đẹp mắt. Vì là đồ cúng nên nhiều người lựa chọn rất kỹ. Với kinh nghiệm nhiều năm, bà Lê Thị Lường cho rằng, bánh cần được nặn chắc tay, và lược ở thời gian vừa đủ sẽ cho ra hình dáng đẹp.