Tăng vọt tình trạng kiệt sức nơi công sở, nam giới "chết vì tuyệt vọng"
(Dân trí) - Từ năm 2021-2023, tình trạng kiệt sức nơi công sở tăng 65%. Tại hầu hết các lĩnh vực, người lao động đều đối mặt với tình trạng kiệt sức cao hơn trong thời kỳ hậu Covid-19.
Nhiều con số biết nói thể hiện trong báo cáo Trí tuệ cảm xúc, Sức khỏe - Cân bằng toàn cầu (State of the heart 2024) được đề cập tại một chương trình đào tạo "Sức khỏe tinh thần" của tổ chức lớn nhất thế giới nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc (Six Seconds) diễn ra ngày 16/7 ở TPHCM.
Bà Huỳnh Huyền Trân, Giám đốc đào tạo chương trình cho hay, báo cáo chỉ ra điểm số trí tuệ cảm xúc toàn cầu giảm liên tiếp trong suốt 4 năm qua. Giai đoạn 2019-2023, điểm trung bình của trí tuệ cảm xúc toàn cầu giảm 5,54%.
Giai đoạn này, 65% các ngành nghề ghi nhận gia tăng tình trạng kiệt sức, thể hiện qua sự thay đổi về chỉ số động lực.
Ngoại trừ ngành nông nghiệp và thủy sản có điểm động lực tăng 10,72%, phần lớn các ngành nghề khác đều giảm.
Năng lượng & dầu khí là ngành có mức giảm động lực nghiêm trọng nhất, với mức 13,42%. Tiếp đến là phân khúc các ngành công nghiệp kết hợp vận chuyển, kho bãi, bán buôn và xuất nhập khẩu, mức giảm động lực trên 13,26%.
Các ngành có mức giảm động lực cao kế tiếp gồm dược và công nghệ sinh học; dịch vụ lưu trú, du lịch và quản lý bất động sản; xây dựng và thương mại; công nghệ; quảng cáo, truyền thông, giải trí và thể thao…
Báo cáo cũng thể hiện, tại nơi làm việc, chỉ có 23% nhân viên trên toàn thế giới cảm thấy kết nối với công việc, trong khi 60% cho biết họ hoàn toàn... thờ ơ.
Tình trạng mất gắn kết của nhân viên không còn là điều xa lạ và xu hướng cách ly xã hội đã xuất hiện từ nhiều thập niên trước nhưng các con số gia tăng một cách đáng lo ngại chỉ trong giai đoạn từ năm 2019 trở lại đây.
Tại châu Á, điểm số trí tuệ cảm xúc ở mức thấp nhất trên toàn cầu. Châu Á đạt điểm thấp nhất trong kỹ năng "phát huy nội lực cá nhân". Hơn nữa, tất cả các điểm số kỹ năng đều dưới mức trung bình 100, cho thấy cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc giáo dục và thực hành trí tuệ cảm xúc trong khu vực.
Về điểm mạnh, châu Á có điểm số cao nhất trong kỹ năng "áp dụng tư duy hệ quả", cho thấy sự cẩn trọng và cân nhắc khi đánh giá rủi ro, rất đặc trưng trong các nền văn hóa châu Á.
Nhiều nam giới "chết vì tuyệt vọng"
Đáng báo động là Gen Z đối mặt với cuộc khủng hoảng về sức khỏe tinh thần và cảm xúc nặng nhất, được thúc đẩy bởi sự cô đơn và cách ly xã hội.
Tại nơi làm việc, 53,7% nhân sự Gen Z có mức độ hài lòng thấp - báo hiệu nguy cơ bị mất sự gắn kết và kiệt sức. Vì vậy, hiệu suất cao ở Gen Z không bền vững.
Phân tích định hướng rủi ro trong báo cáo thể hiện Gen Z có điểm đánh giá rủi ro cao hơn, cho thấy định hướng thận trọng hơn nhiều so với các thế hệ khác.
Ở mức độ cực đoan, điều này có thể được nhìn nhận là lo âu thái quá hoặc có thể dẫn đến việc ngại trải nghiệm. Điều này có vẻ ngược với trực giác đặc thù sinh học của những người trẻ tuổi là có định hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
Điểm số trí tuệ cảm xúc trung bình của cả nam và nữ đều giảm từ năm 2019 đến năm 2021. Nhưng từ năm 2021, điểm trí tuệ cảm xúc của phụ nữ đã tăng nhẹ, trong khi điểm số của nam giới vẫn tiếp tục xu hướng giảm mạnh một cách đáng lo ngại.
Điểm số của nam giới giảm trên tất cả 8 năng lực từ năm 2021 đến năm 2023 trong khi điểm số của nữ giới lại tăng ở 4 trong 8 năng lực này, những năng lực còn lại chỉ giảm nhẹ.
Từ năm 2019 đến năm 2023, điểm số của tất cả các yếu tố thành công của nam giới đều giảm dần.
Nghiên cứu chỉ ra nam giới đang gặp khó khăn về mặt xã hội và cảm xúc. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm hiện trạng này bởi sự cô đơn và cách ly xã hội.
Khoảng 15% nam giới nói rằng họ không có bạn thân - tăng gấp 5 lần so với năm 1990 (3%). Mặc dù vấn đề cách ly xã hội này ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi giới tính, nhưng nghiên cứu cho thấy nam giới bị tác động tiêu cực hơn.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra 3 trong số 4 "cái chết vì tuyệt vọng" - chết do tự tử hoặc dùng ma túy quá liều - xảy ra đối với nam giới.
Nghiên cứu đưa ra cảnh báo về việc nam giới thường không có được sự hỗ trợ xã hội hoặc kỹ năng EQ cần thiết để phát triển.
Nhìn chung, có một xu hướng tích cực đối với nữ giới: mối quan hệ tốt hơn, trách nhiệm bình đẳng hơn, việc làm nhiều hơn và hiệu quả công việc cao hơn.
Tuy nhiên, cần chú ý, trong khi ba yếu tố thành công khác tăng lên đối với nữ giới trên toàn cầu thì yếu tố sức khỏe - cân bằng của nữ giới giảm từ năm 2021 đến năm 2022. Điều này cho thấy rằng dù nữ giới đang dẫn đầu sự hồi phục sau dịch bệnh, họ vẫn đang phải chịu một gánh nặng khác có tính thiếu ổn định.