Tăng tuổi nghỉ hưu: “Không giải quyết rốt ráo bài toán thất nghiệp hiện tại”
(Dân trí) - “Không thể giải quyết rốt ráo vấn đề của thị trường lao động bằng hệ thống hưu trí. Nếu đất nước gặp vấn đề về việc làm cho thanh niên, trước hết cần giải quyết bằng các chương trình giáo dục, chuyển giao kỹ năng. Nếu giải quyết bằng hệ thống hưu trí chỉ có tính gián tiếp và tốn nhiều tiền”.
Ông Nuno Meira Simoes Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ với báo giới về quan điểm tăng tuổi hưu trong dự thảo Luật lao động của Việt Nam. Đây đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Thưa ông, một trong những ký do khiến dự thảo sửa đổi Luật Lao động của Việt Nam có nhắc tới việc tăng tuổi hưu trí là do tốc độ già hoá nhanh của dân số. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá, thậm chí phải thay đổi tham số của hệ thống để phù hợp. Việc điều chỉnh tuổi hưu là ví dụ cụ thể.
Trong khi đó, chúng ta phải thừa nhận thực tế già hóa dân số đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có các nước châu Á. Do đó, hệ thống hưu trí các nước, trong đó có Việt Nam buộc phải xem xét ảnh hưởng của những thay đổi này là điều dễ hiểu.
Mặc dù dân số Việt Nam chưa hoàn toàn thuộc nhóm dân số già, nhưng quá trình già hóa đã diễn ra nhanh trong hai thập kỷ qua. Theo Ngân hàng thế giới, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 66 (năm 1990) lên 76 (năm 2014).
“Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm do mức sinh giảm cũng như tuổi thọ tăng lên, Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu để cải thiện tình hình cân đối về tài chính giữa đóng và hưởng” - ông Nuno Meira Simoes Cunha nói.
Nếu tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở 60 đối với nam giới và 55 đối với nữ giới, tỉ lệ người nghỉ hưu so với người đang trong độ tuổi lao động dự đoán sẽ tăng từ 19,4% (năm 2009) lên 59,5% (2049), và tiếp tục lên 77,7% (năm 2099).
Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp bù đắp phần lao động bị thiếu hụt khi số người trong độ tuổi lao động bị giảm sút cũng như để duy trì tính bền vững về tài chính của hệ thống hưu trí.
Nếu tuổi nghỉ hưu được nâng lên 65 đối với cả nam và nữ, tỉ lệ người nghỉ hưu so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ từ hơn: Mức 10,9% (năm 2009) lên 30,7% (năm 2049) và 47,5% vào năm 2099. Nhờ vậy, quỹ hưu trí sẽ bớt bị áp lực về tài chính hơn so với nếu tuổi nghỉ hưu được giữ nguyên như hiện nay.
Việc tăng tuổi hưu có nguy cơ khiến cơ hội việc làm của lao động trẻ sẽ giảm đi và lao động thất nghiệp có thể sẽ tăng lên, thưa ông?
- Chúng ta không thể giải quyết rốt ráo vấn đề hiện tại của thị trường lao động bằng một hệ thống hưu trí. Bởi hệ thống này chỉ được áp dụng cho người lao động sau khi nghỉ hưu. Chúng ta không thể sử dụng hệ thống hưu trí để giải quyết bài toán thặng dư lao động tạm thời hoặc một cái gì đó tương tự vì điều đó trước sau sẽ làm hỏng cả hệ thống. Thực tế này đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Nếu chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề thị trường lao động bằng cách cho phép mọi người nghỉ hưu sớm thì chắc chắn sẽ phải trả tiền cho điều đó.
Chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng nếu cho người già nghỉ hưu thì những người khác sẽ có thể thay thế được họ. Có nhiều khả năng xảy ra tình trạng khi họ nhận được thu nhập cao hơn. Người lao động có xu thế chi tiêu nhiều hơn, con cái của họ cũng có thể chi tiêu nhiều hơn. Và điều đó có thể tạo ra nhiều việc làm hơn.
Theo ông Nuno Meira Simoes Cunha, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải diễn ra từ từ. Việt Nam không thể tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 tuổi trong vòng một năm. Quá trình này sẽ phải dần dần, theo lộ trình từng năm một. Đồng thời, quá trình này phải có những biện pháp để bảo vệ người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, lộ trình cải cách cần phải được thống nhất từ bây giờ.
“Trong báo cáo công bố năm 2013, Tổ chức Lao động Quốc tế đã khuyến nghị Việt Nam cần nâng dần tuổi nghỉ hưu của lao động nữ để bằng tuổi nghỉ hưu hiện tại của lao động nam (60 tuổi). Sau đó, giả định tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ sẽ tăng hai năm một tuổi cho đến khi nâng đến 65 tuổi” - ông Nuno Meira Simoes Cunha nói.
Nếu đất nước gặp vấn đề về việc làm cho thanh niên, trước hết cần giải quyết vấn đề đó bằng các chương trình giáo dục cho thanh niên và chuyển giao kỹ năng cho thanh niên.
Đừng cố giải quyết vấn đề việc làm bằng hệ thống hưu trí vì cách giải quyết đó quá gián tiếp và tốn rất nhiều tiền.
Mọi người thường cho rằng nếu những người cao tuổi cứ tiếp tục làm việc thì những người trẻ tuổi sẽ không thể gia nhập lực lượng lao động. Nhưng nếu suy nghĩ như vậy thì thị trường lao động sẽ rất “tĩnh”. Khi toàn bộ hệ thống phát triển thì cả quốc gia sẽ phát triển và khi đó sẽ có nhiều lao động hơn.
Một nghiên cứu gần đây của OECD (Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế) về thái độ của người hưởng hưu trí cho thấy rằng tất cả mọi người đều hào hứng đối với chế độ nghỉ hưu trong hai năm đầu. Sau đó, sự hào hứng của họ giảm đi bởi vì sau khi họ đã làm tất cả mọi thứ họ muốn (du lịch, hưởng thụ, v.v…) thì quỹ tài chính của họ sẽ thu hẹp lại và họ bắt đầu cảm thấy buồn chán.
Ở một góc nhìn khác, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi hưu sẽ giúp gia tăng tâm lý “tham quyền cố vị”, ông có ý kiến gì về điều này?
- Tôi cho rằng một trong những lý do của việc thiết lập hệ thống hưu trí là để hỗ trợ người lao động khi sức khỏe bắt đầu suy giảm.
Tuy nhiên, những tiến bộ trong chăm sóc y tế đã giúp nâng tuổi thọ trung bình cũng như cuộc sống tốt hơn và khỏe mạnh hơn. Ngày nay, một người trung bình có sức khỏe tốt hơn trong thời gian lâu hơn.
Có nhiều ý kiến cho rằng lợi thế quan trọng nhất của người cao tuổi là kinh nghiệm. Chúng tôi không có ý rằng tuổi nghỉ hưu được tăng đến vô cùng, mà chỉ không thấy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ có thể có nguy cơ dẫn đến việc xử lý công việc không hiệu quả.
Tuy nhiên, ILO cũng quan ngại liên quan đến những việc làm đòi hỏi nhiều sức mạnh thể chất hoặc việc làm trong điều kiện khó khăn. Người lao động trong những công việc như vậy cần được xem xét đặc biệt. Những lý lẽ nêu trên có lẽ nên áp dụng ở khía cạnh khác với đối với họ.
“Về tương quan số lượng, những vị trí việc làm cấp cao không có nhiều và ảnh hưởng không lớn tới các số lượng việc làm mức dưới khi xét trong mặt bằng tổng thể của thị trường lao động” - ông Nuno Meira Simoes Cunha.
- Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện