1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng "trần" về giờ làm thêm: Cần xét trong mối liên quan với nhiều yếu tố khác

Đó là ý kiến của ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ LĐ (Tổng LĐLĐVN). Cụ thể, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm trong năm thì phải xem xét tổng thể: Điều kiện KTXH của đất nước, vấn đề sức khỏe của NLĐ, vấn đề quan hệ giữa việc làm và thất nghiệp, vấn đề người sử dụng LĐ, và đặc biệt là trong tương quan với giờ làm việc chính thức.

Ông Lê Đình Quảng.
Ông Lê Đình Quảng.

“Bên cạnh đó còn phải phù hợp với xu thế hội nhập nữa. Hiện nay, cả thế giới đang đấu tranh với việc giảm giờ làm, vì thế VN không thể tính đến việc tăng giờ làm thêm - đi ngược lại với xu thế”. Ông Quảng cho biết thêm:

- Pháp luật VN quy định ngày làm việc không quá 4 giờ, một tháng không quá 30 giờ và một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt mới được phép làm thêm tới 300 giờ. Nhưng bây giờ rất nhiều DN, đặc biệt là các DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản huy động làm thêm giờ quá giờ cho phép rất nhiều. Trong thời gian vừa qua, thống kê của TLĐ cho thấy, khoảng trên 5% các cuộc ngừng việc tập thể là do CNLĐ phản đối việc tăng ca và điều kiện làm việc.

Nhưng thưa ông, nhiều DN có ý kiến tăng giới hạn làm thêm giờ bởi họ cho rằng hiện nay quy định giờ làm thêm trong một năm ở ta vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực?.

- Trước hết, chúng ta phải hiểu mục đích quy định làm thêm giờ. Đó là thời giờ để DN giải quyết các công việc đột xuất ngoài kế hoạch dự kiến như xử lý các sự cố trong sản xuất, giải quyết các công việc cấp bách mà không thể trì hoãn được, hoặc các công việc cấp bách ngoài kế hoạch. Ví dụ có lô hàng đông lạnh về mà không xử lý ngay thì sẽ hỏng…

Trong một số trường hợp nữa, do một số LĐ có tay nghề cao mà không ai thay thế được nhưng chưa giải quyết hết công việc. Ví dụ như bác sĩ ngoại khoa giỏi chẳng hạn… Còn nếu ngày nào, tuần nào cũng yêu cầu làm thêm thì có nghĩa là DN không tuyển được LĐ (do trả lương thấp), hoặc chỉ muốn tận dụng một lượng CNLĐ nhất định để giảm bớt chi phí. Như thế, pháp luật phải bảo vệ NLĐ.

Như đã nói ở trên, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là giờ làm thêm phải gắn với giờ làm việc. Có thể quy định trần giờ làm thêm ở ta còn thấp hơn, nhưng thực tế quỹ thời gian làm việc tối đa của NLĐ ở ta cao hơn so với NLĐ ở các nước trong khu vực.

Cụ thể, các DN ở Indonesia được phép huy động NLĐ làm thêm tới 728 giờ/năm. Nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của NLĐ là 2.608 giờ/năm; ở Hàn Quốc, quy định giờ làm thêm là 624 giờ/năm, giờ làm việc 40 giờ/tuần. Tổng cộng số giờ làm chính và số giờ làm thêm tối đa là 2.446 giờ/năm; ở Trung Quốc, các chỉ số tương tự là 432 giờ/năm; 40 giờ/tuần và 2.288 giờ/năm…

Còn ở VN, giới hạn trần giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm, nhưng phần lớn CNLĐ làm việc 48 giờ/tuần, cộng cả thời gian làm việc với thời gian làm thêm được phép tối đa thì quỹ thời gian làm việc lên tới 2.620 giờ/năm. Như vậy, có thể nói thực chất, quỹ thời gian làm việc của NLĐ VN vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Trên cơ sở thực tế đó, theo ông, ở VN không nên tăng trần giới hạn số giờ làm thêm?

- Cùng với sự phát triển chung của đất nước thì đời sống của NLĐ phải ngày càng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu bây giờ VN tăng cao giới hạn thời gian làm thêm giờ thì cũng đồng nghĩa với việc tăng quỹ thời gian làm việc tối đa của NLĐ, như thế là đi ngược lại xu thế của đất nước và thế giới.

Để giải quyết những khó khăn thực tế của một số DN khi có những chu kỳ sản xuất đột xuất (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản) thì có thể nghiên cứu bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (thực tế, hiện nay chỉ có 11/150 quốc gia có quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng).

Tuy nhiên, cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Ví dụ: Làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%; từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%. Có như vậy mới buộc được các DN phải tính toán trước khi huy động NLĐ làm thêm một cách vô tội vạ.

- Xin cảm ơn ông!

Trong khi đó, một khảo sát của Viện CNCĐ cho thấy: Có 74,9% CNLĐ bức xúc không có sân chơi TDTT; 76% CN bức xúc không có nơi tập TDTT; 85,1% CN bức xúc nơi ở không có nhà văn hóa… Nhìn chung, CN rất “đói” về văn hóa tinh thần. Làm việc quần quật cả ngày trở về căn nhà trọ xập xệ, thiếu điều kiện sinh hoạt, không tivi, không sách báo…

Theo Báo Lao động